Skip to contentSkip to main navigation Skip to footer

Người Trung Quốc Rất Coi Trọng Thể Diện

Người Trung Quốc trọng thể diện và thích khoa trương

Có thể nói “trọng thể diện” và “thích khoa trương” là hai điều dễ nhận thấy ở người Trung Quốc. Tất nhiên, đã là con người thì ai cũng muốn có thể diện, đất nước nào cũng như nhau. Đối với người Trung Quốc lại khác, thể diện giống như mạng sống của họ vậy. Điều này nó vừa là đặc điểm tốt mà cũng đồng thời là một đặc điểm xấu tồn tại trong xã hội Trung Quốc.

Người Trung Quốc chú ý đến thể diện của bản thân cũng giống việc họ quan tâm những gì người khác nghĩ về mình. Họ không muốn người ngoài nhìn và nghĩ về họ với sự coi thường, sự mỉa mai. Chính vì vậy họ luôn cố gắng hết sức mình để khoa trương bản thân. Khoa trương nghĩa là gì? Là phóng đại quá mức những gì bản thân có hoặc hành động phóng đại quá mức sự cần thiết.

Người Trung Quốc trọng thể diện và thích khoa trương

Người có tiền là nhất định phải xây nhà cao cửa đẹp. Cái cánh cửa là thứ trưng ra bên ngoài đầu tiên cho mọi người xung quanh nhìn thấy. Chính vì thế, cửa nhà hay cửa cổng cũng được nhà giàu Trung Quốc rất xem trọng trong việc phô trương sự giàu có của mình.

Môn đinh, một vật rất quan trọng được gắn trên cánh cửa của người Trung Quốc. Nó thường được làm rất đẹp, thậm chí còn trang trí họa tiết.
Môn đinh, một vật rất quan trọng được gắn trên cánh cửa của người Trung Quốc. Nó thường được làm rất đẹp, thậm chí còn trang trí họa tiết.

Nếu bạn là người thích xem phim cổ trang Trung Quốc, chắc hẳn bạn đã nhìn thấy những cánh cửa trong phủ quan hoặc cửa cổng nhà các phú hộ luôn gắn rất nhiều cục tròn tròn rất to ở trên đó. Thực chất chúng được gọi là “môn đinh” hay là đinh cửa. Những cánh cửa gỗ thường có kích thước lớn và được ghép từ rất nhiều tấm gỗ lại với nhau. Phần ghép giữa các tấm gỗ được dùng đinh để gắn chặt lại. Nhưng trên cánh cửa mà lại có nhiều vết đinh gắn vào thì lại gây mất thẩm mỹ cho nên người ta mới gắn thêm những cục tròn ở trên phần được đóng đinh để tăng thêm mỹ quan.

Ban đầu việc gắn các cục tròn trên cửa chỉ đơn thuần là mang tính mỹ quan. Thế nhưng vì thích khoa trương sự giàu có của mình, người nhà giàu thích xây cửa to. Mà cửa càng to thì càng phải gắn nhiều đinh. Chính vì vậy mà dần dần từ việc nhìn nhận số lượng đinh trên cửa mà người ta đánh giá được sự giàu có của gia chủ.

Cổng vào cũng phải được xây thật lớn

Cổng lớn là một niềm tự hào của người Trung Quốc khi chào đón những vị khách ghé thăm. Chính giữa cổng là tấm bảng đề tên của chủ hộ hoặc tên cơ quan, ví dụ như “Lâm gia trang” hay “Khai Phong phủ”… Cổng vào càng lớn, kiến trúc càng đẹp càng thể hiện được sự phồn vinh, trang nghiêm hoặc uy nghiêm của nơi đó.

Cổng Đại học Giao thông Thượng Hải
Cổng Đại học Giao thông Thượng Hải

Cổng của các trường đại học tại Trung Quốc thể hiện rõ ràng điều đó. Hầu hết các trường đại học tại đây đều rất chú trọng trong việc xây cổng lớn. Bạn có thể bị say đắm trước vẻ đẹp của những cổng lớn các trường đại học. Hoặc cũng có thể bàng hoàng ngỡ mình lạc vào cung vua phủ chúa khi đứng trước cổng Đại học Giao thông Thượng Hải.

Tên người cũng phải thể hiện được ý chí hay công trạng

Việc đặt tên cũng được người Trung Quốc coi trọng bất kể là vua chúa hay thường dân. Hoàng đế ngoài tên do vua cha đặt ra còn có cả niên hiệu, thụy hiệu, miếu hiệu. Tên của vua do cha đặt thì không ai được phép gọi, đó còn gọi là tên húy. Thụy hiệu là một cái tên dài ngoằng cho hoàng đế sau khi qua đời để tôn vinh. Ví dụ như Lý Thế Dân, vị hoàng đế thứ hai của nhà Đường có thụy hiệu là Văn Vũ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu hoàng đế.

Trong giới quý tộc, học sĩ hay học trò, ngoài tên tục do cha mẹ đặt ra thì còn có tên tự, tên hiệu. Tên của một người thì chỉ cha mẹ và người trong nhà được phép gọi. Ví dụ như Lưu Cơ có tên tự là Lưu Bá Ôn, Đào Tiềm có tên hiệu là Uyên Minh, Lý Bạch có tên tự là Thái Bạch. Trong giao tiếp xã hội của người Trung Quốc thời xưa, một người thường được người khác gọi bằng tên tự. Việc gọi bằng tên tự để thể hiện sự tôn trọng người được gọi. Nếu gọi bằng tên cha mẹ đặt thì được coi là một sự bất nhã.

Kể từ thời xa xưa cho tới hiện đại, việc gọi người khác bằng họ và chức danh cũng thể hiện sự coi trọng. Người được gọi bằng họ và chức danh thì giữ được thể diện. Người gọi người khác bằng họ và chức danh cũng lấy được thiện cảm từ đối phương. Thời xưa thì người ta hay gọi nhau bằng những cái tên như “ông chủ Trần”, “Lâm giáo đầu”, “Trương học sĩ”, “Ngô phu nhân”, “Tôn tiên sinh”… Thời nay thì có thể gọi bằng những cái tên như “ông chủ Lý”, “Mã tổng”, “giám đốc Lê”, “Quách tiên sinh”…

Trọng thể diện là tốt hay xấu?

Sự coi trọng thể diện của người Trung Quốc đôi khi đi quá đà. Nhưng nhìn chung, nó cũng có cái hay của nó. Chính vì sự coi trọng thể diện đó, trong giao tiếp xã hội, người ta luôn biết cách để thể hiện bản thân coi trọng đối phương. Việc coi trọng thể diện đi đôi với đề cao văn hóa học thức thì cũng sẽ xây dựng được một nền tảng xã hội hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.

Tìm hiểu thêm về Văn hóa Trung Quốc.

0 Comments

There are no comments yet

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *