“Hạ giới bảo bình an – thượng thiên ngôn hảo sự”, dưới nhân gian bảo vệ bình an – lên thiên cung báo chuyện tốt lành. Đó chính là nhiệm vụ mà một Táo quân cần làm.
Hãy cùng mình tìm hiểu văn hoá Trung Quốc qua phong tục cúng ông Công ông Táo của người dân nơi đây nhé!
Ngày ông Công ông Táo ở Trung Quốc là ngày nào?
Mục Lục
Theo truyền thống Trung Hoa, ngày 23-24-25 tháng chạp hàng năm là ngày “tế táo” hay còn gọi là “tiểu niên”. Đây là ngày mà các gia đình Trung Hoa cúng Táo quân hay Táo thần, một vị thần bếp. Nếu bạn hỏi một người Trung Quốc, “tiểu niên” là ngày nào, chắc chắn bạn sẽ nhận được những câu trả lời không giống nhau. Có người nói là ngày 23, có người nói 24, cũng có người sẽ nói là ngày 25 tháng chạp mới đúng.

Người Trung Quốc thời xưa có câu, “quan tam, dân tứ, thuyền ngũ”; có nghĩa là quan thì đón tiểu niên ngày 23, dân đón ngày 24, còn dân sông nước – dân biển cúng Táo quân ngày 25. Theo truyền thống dân gian Trung Quốc thì người dân cúng Táo quân vào ngày 24. Vào giữa và cuối triều nhà Thanh, đế vương Thanh triều tổ chức đại lễ tế trời vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc, hoàng đế và các quan đại thần cúng Táo quân luôn vào ngày này. Vì thế mới có câu “quan tam, dân tứ”. Người dân ở các vùng phương bắc do gần triều đình nên cũng tế táo vào ngày 23, đa số người dân ở các vùng phương nam còn giữ được truyền thống cúng Táo quân vào ngày 24.
Truyền thuyết về Táo quân
Trong tiếng Trung, từ “táo” nghĩa là “bếp”, “quân” nghĩa là “vua”, “Táo quân” chính là vị “vua bếp”. Về lai lịch và truyền thuyết của vị thần này, có rất nhiều ghi chép khác nhau, mỗi vùng lại có một tích. Theo thuyết được lưu truyền rộng và phổ biến nhất, thì Táo quân là một chàng trai có họ Trương, được gọi là Trương Lang. Anh ta có nhà cửa ruộng vườn của cha mẹ và một cô vợ tên là Quách Đinh Hương. Sau khi lấy vợ, Trương Lang vì không thích làm ruộng nên đã bỏ đi buôn xa nhà. Vợ Trương Lang là Quách Đinh Hương ở nhà một mình gánh vác công việc nhà, chăm sóc cha mẹ chồng tới nơi tới chốn, cuộc sống vô cùng vất vả. Sau khi biệt tích khá lâu, Trương Lang trở về nhà đuổi Đinh Hương rồi lấy cô vợ mới là Lý Hải Đường. Đinh Hương bị đuổi thì bơ vơ ngoài đường, đi lang thang và gặp được một bà lão nhận nuôi, sống một cuộc sống mới tốt hơn. Về phần Trương Lang, ít lâu sau nhà anh gặp phải trận cháy lớn thiêu rụi nhà cửa tài sản, thiêu mù đôi mắt Trương Lang và lấy đi cả mạng sống của cô vợ mới. Trương Lang đi xin ăn ngoài đường, một hôm lưu lạc tới nhà người vợ cũ mà anh đã từng đuổi đi. Đinh Hương đem thức ăn ngon ra mời chồng cũ, còn cho anh cả tiền bạc. Sau Trương Lang biết được người phụ nữ đối xử tốt với mình chính là người vợ cũ bèn sinh lòng hối hận. Anh ta đâm đầu vào bếp lửa và chết cháy. Sau khi chết, anh ta được Ngọc Hoàng phong làm Táo vương.
Tên gọi đầy đủ và chính thức của Táo quân là Đông trù tư mệnh cửu linh nguyên vương định phúc thần quân. Tên gọi dân gian của vị thần bếp này là Táo quân, Táo vương, Táo vương gia, Tư mệnh chân quân, Hộ trạch thiên tôn, Cửu thiên đông trù yên chủ.
Người Trung Quốc cúng ông Công ông Táo như thế nào?

Vào ngày ông Công ông Táo, người Trung Quốc quét dọn nhà cửa, lau sạch bụi bặm các vật dụng trong gia đình và cúng Táo. Lúc cúng Táo, cần phải thiết lập thần chủ, bày biện tế phẩm vàng mã, tửu thực thịnh soạn. Trên bàn cúng không thể thiếu kẹo ngọt, đặc biệt là những loại kẹo vừa dẻo vừa ngọt. Cúng kẹo ngọt có ý nghĩa là người dân mong muốn Táo thần ăn kẹo dẻo kẹo ngọt thì khi lên thiên cung sẽ nói những lời mềm dẻo, lời ngọt ngào, nói lời hay ý đẹp. Ngoài ra còn phải vẽ ngựa để cho ông Táo cưỡi. Việc cúng Táo được thực hiện vào lúc đêm để sáng sớm ông Táo lên đường chầu trời.

Theo truyền thuyết dân gian, Táo quân cư ngụ trong phòng bếp của các hộ gia đình, cuộc sống sinh hoạt của người trong gia đình, mọi việc tốt xấu đều được ông ghi chép lại tường tận. Tới ngày 23 tháng chạp, Táo thần trở về thiên đình, đem các chuyện thiện ác của các hộ gia đình báo lại cho Ngọc hoàng, tới tối ngày 30 tháng chạp sẽ trở lại nhân gian, phụng mệnh Ngọc hoàng để thưởng thiện phạt ác.