Truyền thuyết về Thương Sơn Nhĩ Hải
08/10/2021
Truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian, thường có yếu tố tưởng tượng kì ảo, các nhân vật, sự kiện đều liên quan đến lịch sử, là những truyện truyền miệng kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong cảnh địa phương theo quan niệm của nhân dân.
Trong truyền thuyết đã phản ánh những văn hóa nội hàm của người bản địa, chất chứa đầy những tưởng tượng, màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn của con người đối với sự việc chưa biết.
Tự cổ chí kim, từ xã hội phương tây đến xã hội phương đông, không nơi nào là không có một vài câu truyện truyền thuyết.
Tại Trung Quốc, những câu truyện truyền thuyết bí ẩn đó lại là thành phần quan trọng để góp phần tạo dựng nên văn hóa dân gian. Từ Nữ Oa vá trời đến Tinh Vệ Điền Hải; Kuafu đuổi theo mặt trời…từ những mảnh ghép của các câu chuyện thần thoại hội tụ thành một bản văn chương hoàn chỉnh, hình thành nên một nét văn hóa độc đáo riêng.
Phần lớn những câu truyện truyền thuyết đều được gắn kết với các kỳ quan thiên nhiên. Còn ở Đại Lý, cũng có nhiều truyền thuyết đặc sắc riêng biệt của nó, và những câu chuyện đó đều có liên quan tới cảnh sắc thiên nhiên hoặc những mùa màng cụ thể.

Truyền thuyết Đại Lý – Áng mây trời
Những áng mây của Đại Lý điểm xuyết lên bầu trời xanh biếc, tạo thành những bức tranh phong cảnh thoát tục mà mỹ lệ.
Các hình dáng, màu sắc ấy lại là phong cảnh rực rỡ nhất của Đại Lý! Bí ẩn khó đoán, biến đổi bất định, thay đổi khác thường,…
Ở eo núi hoặc đỉnh núi của Thương Sơn Đại Lý, đều có những cảnh tượng kỳ lạ liên quan đến những đám mây xuất hiện, thường được con người nhìn thấy hoặc được nhiếp ảnh gia bắt gặp.
Hai kỳ cảnh này thường xuất hiện tại eo “Ngọc Đới Vân” của núi Thương Sơn và trên đỉnh “Vọng Phu Vân” của Ngọc Cục Phong, đều mang trong mình những câu chuyện về tình yêu thê lương, được nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại.

Trong “Đại Lý Phủ Chí” (大理府志)có ghi chép về eo Ngọc Đới Vân: “Điểm xuyết mùa hạ, thường có những áng mây phủ quanh eo núi, trải quanh mười eo chín đỉnh, ước chừng trăm dặm, giống như một chiếc đai lưng. Có vị thi nhân từng nói “Thiên tướng Ngọc Đới phong sơn công” (天将玉带封山公), ý chỉ những đám mây hùng vĩ của eo Ngọc Đới núi Thương Sơn giống như được chính tay trời đất tạo dựng nên.
Còn về Ngọc Phu Vân, trong “Đại Lý Huyện Chí Cảo” (大理县志稿) có ghi: Truyền thuyết kể rằng, thời nhà họ Mông, có một nữ nhân kỳ lạ sống ở đỉnh Ngọc Cục Phong, vì thương nhớ chồng….sau tinh khí hóa thành mây, nên có tên “Vọng Phu Vân”.
Ngọc Đới Vân
Ngọc Đới Vân thường xuất hiện vào cuối mùa hạ, đầu mùa thu. Sau một cơn mưa lớn, thời tiết trên núi Thương Sơn dần chuyển sang trong lành. Lúc này, eo Thập Cửu Phong của núi Thương Sơn xuất hiện một đới vân dài hơn chục ki-lô-mét, đới vân này có một tên gọi rất đẹp – có tên “Ngọc Đới Vân”.
Ngọc Đới Vân trôi nổi linh động, như một lớp voan trắng quấn quanh eo núi Thương Sơn, mềm mại, quyến rũ, chỉ cần tận mắt nhìn thấy kỳ cảnh này sẽ khiến ta khó lòng mà quên được.
Tại Đại Lý, Ngọc Đới Vân xuất hiện tượng trưng cho sự bội thu. trong ngạn ngữ (谚语)của người dân tộc Bạch có câu: “Thương Sơn hệ Ngọc Đới, ngã cẩu cật bạch mễ” (苍山系玉带,饿狗吃白米)ý chỉ “Thương Sơn xuất hiện Ngọc Đới, chó đói được ăn cơm trắng”. Đến nay, ở Đại Lý vẫn xuất hiện rất nhiều lời đồn liên quan đến truyền thuyết của Ngọc Đới Vân.

Tương truyền, diện mạo tuấn tú của Thương Sơn và Nhĩ Hải đã thu hút được cô nương Phượng Hoàng. Vì vậy, cô đã kể lại cho Ngọc Nữ- tiên nữ chuyên dệt vân gấm ngũ sắc cho Vương Mẫu nương nương về cảnh sắc của Thương Sơn Thập Cửu Phong và Thập Bát Khê mà cô đã tận mắt nhìn thấy.
Ngọc Nữ vô cùng hứng thú với cảnh sắc của Thương Sơn Thập Cửu Phong cùng với Thập Bát Khê, vì vậy cô đã xin Vương Mẫu nương nương cho phép cô hạ phàm tham quan. Sau khi được sự đồng ý của Vương Mẫu, Ngọc Nữ cùng Phượng Hoàng bay đến giữa biển Thương Sơn Nhĩ Hải, rồi dần từ đỉnh Thương Sơn bay xuống vùng eo núi, để tiện việc quan sát cảnh đẹp.
Một ngày nọ, Ngọc Nữ và Phượng Hoàng đến Ẩn Tiên Khê gội đầu, gặp được một chàng trai làm quặng đột nhiên ngất xỉu bên đường.
Thì ra chàng trai tên Bạch Lang, mồ côi cha mẹ, anh trai vì nghe lời thúi giục của vợ mình mà đuổi chàng ra khỏi nhà. Bạch Lang không nơi để về, chỉ có thể ở trên núi lấy quặng.
Sau khi Ngọc Nữ biết được cảnh ngộ của Bạch Lang, cô vô cùng đồng cảm với chàng, bèn nảy sinh lòng mến mộ, không lâu sau liền gả cho chàng.
Sau khi hai người thành thân, Ngọc Nữ và Bạch Lang cùng nhau lên núi đào quặng. Cô đào đến đâu, đá đều được chuyển thành ngọc! Nhưng cô không nói cho Bạch Lang nguyên nhân, rồi để bà con láng giềng cùng lên núi đào quặng. Dưới sự giúp đỡ của Ngọc Nữ, cuộc sống của mọi người ngày càng tốt lên.
Thời gian thoi đưa, đã đến lúc Ngọc Nữ phải trở về thiên đình, cô và Bạch Lang đều luyến tiếc không nỡ. Đến lúc chia tay, Bạch Lang nắm chặt dây đai ngũ sắc không buông, nhưng Ngọc Nữ vẫn phải rời đi. Dây đai ngũ sắc trong tay Bạch Lang lập tức biến thành một đường vân đới dài dằng dặc, quấn quanh eo núi Thương Sơn.
Từ đó về sau, mỗi năm cứ đến cuối hạ đầu thu, đều sẽ xuất hiện Ngọc Đới Vân, còn quặng đá năm đó Ngọc Nữ đã từng đào đều chuyển thành màu mực, mọi người đều gọi nó là “Ngọc Nữ Thạch” (玉女石: Đá Ngọc Nữ ), cũng chính là Đại Lý Thạch(大理石) vang danh thiên hạ.
Liên quan đến truyền thuyết về Ngọc Đới Vân, vẫn còn một phiên bản khác, bản này có liên quan đến Long Nữ.

Tương truyền, trên núi Thương Sơn có một cặp vợ chồng là Long Công và Long Mẫu sinh sống ở đó, bọn họ có bảy cô con gái xinh đẹp. Bảy cô con gái thường hay tắm gội ở dòng thác phía trong núi.
Cứ đến lúc bảy vị Long Nữ đến đó tắm giặt, thì Ngọc Đới Vân sẽ đều xuất hiện. Nghe đồn Vân Đới đó chính là thắt lưng của bảy vị Long Nữ biến hóa mà thành.
Đến nay, con đường được kiến tạo tại lưng núi Thương Sơn dài tận 11,5 nghìn mét, được gọi là “Con đường tham quan Ngọc Đới Vân” (玉带云游路).
Con đường này không khí trong lành, hoàn cảnh dễ chịu, cảnh sắc tuyệt đẹp, mỗi năm đều có rất nhiều du khách nghe danh mà đến.
Vọng Phu Vân
Ngọc Đới Vân thường xuất hiện vào mùa hạ thu, còn Vọng Phu Vân thường xuất hiện vào mùa đông xuân, chủ yếu xuất hiện vào đỉnh Ngọc Cục Phong của Thập Cửu Phong núi Thương Sơn.
Trong lúc “Vọng Phu Vân” xuất hiện, biển Nhĩ Hải sẽ xuất hiện một vài hiện tượng kỳ lạ. Biển Nhĩ Hải vốn là một nơi sóng yên biển lặng đột nhiên nổi lên từng đợt sóng vỗ, ngay cả thuyền đánh cá cũng không được đến biển Nhĩ Hải đánh bắt cá. Vì vậy, “Vọng Phu Vân” còn được gọi là “Vô Độ Vân” (无渡云).

Có thể nói truyền thuyết về Vọng Phu Vân, các nhà các hộ sinh sống ở Đại Lý là không ai không biết.
Tương truyền, Nam Triệu Vương có một vị công chúa vông cùng xinh đẹp. Công chúa dù đã lớn nhưng vẫn chưa muốn thành thân. Các vương công quý tử tranh nhau đến cầu thân, công chúa cũng không để ý đến ai.
Sau, trong khi công chúa tham gia hội Tam Linh quen biết một chàng thợ săn. Chàng thợ săn có vóc dáng khôi ngô, tuấn tú, công chúa vừa gặp đã yêu. Nhưng vì địa vị chênh nhau quá xa, bèn nhận được sự phản đối kịch liệt của quốc vương.
Công chúa và thợ săn, trải qua trùng trùng trở ngại, thề non hẹn biện, ước định cả đời, rồi trốn lên đỉnh Ngọc Cục Phong của núi Thương Sơn, sống một cuộc đời hạnh phúc, mỹ mãn.
Nhưng tiệc vui chóng tàn, sau khi quốc vương biết được liền mời pháp sư La Thuyên của chùa La Thuyên làm phép, khiến cho đỉnh Ngọc Cục Phong tuyết rơi dày đặc. Thợ săn vì để chống rét cho công chúa, liền mạo hiểm đến chùa La Thuyên trộm cắp bát bảo cà sa chống rét. Sau khi bị phát hiền, chàng liền bị La Thuyên đánh xuống biển Nhĩ Hải biến thành ốc đá.
Công chúa ở Ngọc Cục Phong mòn mỏi chờ chàng, thợ săn không về. Lúc này, tin tức chàng gặp chuyện đến tai công chúa. Sau, nàng vì đau buồn quá độ mà chết.
Sau khi nàng chết, tinh khí của nàng hóa thành mây trắng, còn đám mây này từ khi xuất hiện không hề rời rạc, phân tán. Giống hệt như khi công chúa uất ức đau buồn mà xa rời trần thế. Lúc này tại biển Nhĩ Hải sóng vỗ điên cuồng, có người nói công chúa vì để thổi bay nước biển chỉ để có thể nhìn thấy được một lần người tình của mình đang nằm ngủ sâu dưới đáy biển.
Truyền thuyết Đại Lý – Sơn Thủy Thiên(山水篇)
Núi non là cái đặc sắc của vùng Đại Lý. Còn nước và núi của Đại Lý lại không thể tách rời nhau. Ở đâu có nước ở đó ắt sẽ chảy vào núi. Cái không thể nhắc tới tại vùng Đại Lý này chắc chắn là Thương Sơn.
Những điểm đến du lịch như: Thanh Bích Khê, Tẩy Mã Đàm, Thất Long Nữ Trì hay suối Hồ Điệp dưới chân núi, tất cả đều có liên quan đến núi Thương Sơn.
Thời xưa, Đại Lý được gọi là “Diệp Du”(叶榆). Bởi vì nhiều nước lũ, nên truyền thuyết liên quan tới nước cũng vô cùng nhiều.
Thanh Bích Khê(青碧溪)
Thanh Bích Khê – Một trong mười tám dòng suối của Thương Sơn.
Tương truyền, từ thời xa xưa, Đại Lý gặp phải nhiều nước lũ, con người vì để cai quản nước lũ, nên đã lập tượng Quan Âm bên Thanh Bích Khê, dùng để trấn áp lũ lụt hung bạo.

Không biết từ năm nào, Đại Lý mưa lớn không ngừng, nước lũ cuốn trôi nhà cửa, đền chùa, còn cuốn cả tượng Quan Âm của Thanh Bích Khê xuống giữa biển Nhĩ Hải.
Từ đó, nhân dân lo lắng lũ lụt sẽ lần nữa tái diễn, làm nguy hại đến Đại Lý, liền khắc lên vách đá của Thanh Bích Khê hai chữ “Vũ Huyệt”(禹穴). Đại Vũ là anh hùng cai trị nước lũ của cổ đại Trung Quốc. Nhân dân vì muốn mượn sức mạnh của người, để người dân vùng Đại Lý sẽ không phải khốn khổ sống cùng với lũ.
Về sau, người dân tiếp tục xây lại tượng Quan Âm. Hiện nay, dưới đầm của Thanh Bích Khê vẫn luôn sừng sững một tượng Quan Âm ở đó.
Tẩy Mã Đàm
Tẩy Mã Đàm – một trong những ao hồ cao nhất của Thương Sơn so với độ cao mặt nước biển, đồng thời còn là nơi ngắm tuyết đẹp nhất của núi Thương Sơn.
Tẩy Mã Đàm có độ sâu 1,5 mét, diện tích ước tính 4500 mét vuông.

Theo ghi chép, Tẩy Mã Đàm thời cổ có tên “Cao Hà”(高河), là công trình thủy lợi từ thời Đường Nam Triệu quốc. Thời Nam Triệu thịnh thế, Nam Triệu Vương cử Thịnh Quân tướng quân tại nơi này xây dựng đập chứa nước, tiện dẫn nước vào đồng ruộng.
Tương truyền, vào thời Đại Lý quốc, Hốt Tất Liệt dẫn quân nam chinh Đại Lý, đại quân từng đóng quân tắm ngựa trên đỉnh núi, sau công đánh vào thành Dương Tô Mị(羊苴咩) nước Đại Lý. Từ đó, hồ này có tên “Tẩy Mã Đàm” (đầm tắm cho ngựa).
Mỗi năm cứ đến giao mùa xuân hạ, những bông hoa đỗ quyên với nhiều màu sắc: hồng, trắng, đỏ, vàng thi nhau đua sắc, xung quanh hồ màu sắc rực rỡ vô cùng. Những cây linh sam, đỗ quyên len lách giữa các vách núi, cực kỳ tráng lệ.
Đến mùa thu đông, sau một trận tuyết lớn, Tẩy Mã Đàm tràn ngập trong tuyết, khiến người khác vừa nhìn đã say đắm không ngơi.
Thất Long Nữ Trì (七龙女池)
Hồ Thất Long Nữ với Thanh Bích Khê không khác là mấy, cùng thuộc 18 đầm núi Thương Sơn, cũng là một thác nước to gần như bậc nhất Thương Sơn, với bảy con suối hợp lại mà thành.
Các đầm của Thương Sơn đa phần đều có liên quan đến “rồng”, đại bộ phận các đầm của núi này thường lấy tên “Long” mệnh danh, như: Hắc Long Đàm(黑龙潭), Hoàng Long Đàm(黄龙谭), Song Long Đàm(双龙谭),…

Truyền thuyết kể rằng, Thất Long Nữ Trì là nơi tắm giặt của bảy vị Long Nữ, còn cứ mỗi năm đến lúc cuối hạ, các vị Long Nữ đều sẽ đến đây tắm giặt, đến khi trời sáng mới về Long Cung.
Con gái lớn vóc dáng to lớn, vì vậy sẽ chọn một long đầm có diện tích to nhất, còn các chị em khác sẽ dựa vào độ tuổi và dáng hình để chọn một long đầm thích hợp.
Thất Long nữ là cô con gái nhỏ tuổi nhất, thường hay ngại ngùng, nên đã chọn nơi sâu nhất, tối nhất để tắm, người thường khó mà tìm được.
Từ đó về sau, người dân liền lấy chiếc hồ mà bảy vị Long Nữ đã từng tắm đặt tên “Thất Long Nữ Trì”.
Hồ này bốn mùa nước chảy siết không nguôi, nước hồ trong sạch thấy đáy. Trong đầm mỗi nơi một vẻ: nơi nước chảy uốn lượn nhẹ nhàng, nơi hội tụ thành những đập nước bão bùng.

Đầm Thất Long Nữ xung quanh đều có những hòn đá cao to che chắn, từ “Nhất Long Trì” đến “Thất Long Trì”, mực nước càng sâu, thì diện tích đầm càng nhỏ. Cảnh sắc mỗi đầm đều có một vẻ đẹp, độ tinh tế riêng.
Đầm Thất Long, màu nước khác biệt hơn với các đầm khác, đã hiện lên một vẻ đẹp toàn diện: Kỳ, sắc, thanh, u…
Suối Hồ Điệp( 蝴蝶泉)
Truyền thuyết liên quan đến suối Hồ Điệp cũng rất được nhiều người biết đến. Những truyền thuyết liên quan này, có thể nói là bản sao của phiên bản “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” của Bạch tộc.
Tương truyền, Hồ Điệp Tuyền trước đây có tên là “Đầm Vô Đáy”(无底潭). Ở một thôn làng cách đầm này không xa, có một cô nương tên là Văn Cô, người tộc Bạch. Còn trên Vân Lộng Phong (云弄峰)có một chàng thanh niên tên Hà Lang, hai người cảm mến lẫn nhau.

Một ngày nọ, có một ác bá trong làng thấy Văn Cô xinh đẹp như tiên, liền nảy lòng tà ác, muốn chiếm Văn Cô làm của riêng mình, liền phái người bắt cóc Văn Cô. Sau khi Hà Lang biết chuyện liền chạy đến cứu nàng, nhưng không may bị phát hiện. Hai người chạy trốn một quãng đường dài, cuối cùng chạy đến Đầm Vô Đáy.
Hà Lang và Văn cô thấy phía sau có quân lính đuổi theo, phía trước đã đi vào đường cụt, liền nắm tay nhau cùng nhảy xuống đầm. Ngay lập tức, trước đầm xuất hiện một đôi bươm bướm đang bay lượn xung quanh, còn dưới lòng Đầm Vô Đáy cũng sớm đã không còn thi thể của Văn Cô và Hà Lang.
Từ đó, người đời liền đổi tên “Đầm Vô Đáy” thành “Hồ Điệp Tuyền”. Vì để ngợi ca vẻ đẹp trung trinh, tình yêu khát khao tự do mãnh liệt, nhân dân đã lấy ngày mà Văn Cô và Hà Lang cùng nhảy xuống đầm – ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm mở Hội Hồ Điệp (蝴蝶会), và cũng chính là ngày lễ tình nhân của người tộc Bạch.
Tất cả những truyền thuyết thần thoại của Đại Lý, đều phản ánh sự phản kháng của con người đối với thế tục. Niềm khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc. Từ nghìn năm nay, nó đã sớm trở thành một bộ phận văn hóa của vùng Đại Lý.
Sự bí ẩn nằm trong truyền thuyết cùng với những điều thú vị ẩn dấu trong đó cũng đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến với thành phố này. Từ tìm hiểu, rồi đến yêu say đắm nơi đây!
Hi vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn trước hành trình du lịch Trung Quốc của mình.
Nguồn: Baidu
Biên dịch và biên tập: Nguyễn Bích Việt Anh
0 Comments