Trường An là một kinh đô cổ của Trung Quốc, nằm ở tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây có rất nhiều cảnh đẹp, nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử. Đặc biệt, nhắc tới Trường An, chúng ta không thể không nhắc tới món “canh dê màn đầu” – một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa nói riêng và văn hóa Trung Quốc nói chung.
Nguồn gốc món “canh dê màn đầu”
Mục Lục
Căn cứ theo ghi chép lịch sử, “canh dê màn đầu” bắt nguồn từ thời Bắc Tống. Trong cuốn sách “Cảnh thế thông ngôn” (警世通言) của Mộng Long Hữu thời nhà Minh có ghi chép một câu chuyện có tên “Triệu Thái Tổ nghìn dặm tiễn Kinh nương” (赵太祖千里送京娘).
Tương truyền vào thời Ngũ đại thập quốc, lúc bấy giờ có Triệu Khuông Dận là một chí sĩ nghèo. Trong một lần đi đường, ông cảm thấy rất đói bụng, trong người chỉ có đúng hai chiếc bánh màn đầu khô. Bánh vừa khô vừa cứng, rất khó ăn, nó chỉ có tác dụng để nuôi dưỡng sự sống thôi chứ người thường cũng chẳng ai muốn ăn nó. Đúng lúc này, Triệu Khuông Dận phát hiện bên đường có một quán bán thịt dê. Thấy người thanh niên hoàn cảnh đáng thương, chủ quán bèn múc một bát canh dê đưa cho Triệu Khuông Dận. Ông liền nhận lấy bát canh nóng hổi, sau đó cho hai chiếc bánh màn đầu khô của mình vào để thưởng thức.

Sau này, Triệu Khuông Dận trở thành hoàng đế lập ra triều Tống, ông nhớ lại lúc bần hàn từng ăn “canh dê màn đầu”, bèn quay lại tìm quán thịt dê cũ trong thành Trường An để ăn. Chủ quán thấy hoàng thượng giá lâm vô cùng hoảng hốt, liền bảo thê tử lấy vài chiếc bánh xé thành từng vụn, rồi rưới canh lên, sau đó bà thái vài miếng thịt dê lớn bỏ vào bát, rắc thêm hành lá, miến, rau thơm vào. Bát “canh dê màn đầu” này đã khiến Triệu Khuông Dận tìm lại được mùi vị đã từng ăn khi xưa. Sau khi ăn xong, trên người ông cảm thấy vô cùng thoải mái dễ chịu, ban thưởng cho chủ quán xong liền rời đi. Dân chúng vì hiếu kỳ món ăn ưa thích của một vị hoàng đế nên cũng đến ăn thử. Chủ quán thấy vậy liền đổi tên quán từ “quán thịt” thành “quán canh dê màn đầu”. Lâu dần, người đến ăn ngày càng đông. Kể từ đó món canh dê màn đầu đã trở thành món ăn phổ biến của thành Trường An.

Cách chế biến món “canh dê màn đầu”:
-Thực liệu: Thịt dê, miến, mộc nhĩ, tỏi, bánh màn đầu, hành hoa.
-Gia vị: Hương liệu (hoa tiêu, vỏ quế, hồi hương, lá nguyệt quế, quả địa thảo, bạch khấu…), rượu đặc chế, bột canh, dầu ớt, bột hồ tiêu trắng.

Cách làm như sau:
1) Rửa sạch thịt dê, bỏ miếng gừng thái lát, rượu đặc chế vào nồi cùng với thịt dê đã rửa sạch cho vào chần sơ qua. Sau khi chần xong đưa ra ngoài rửa sạch.
2) Cho thịt dê vào nồi, bỏ gừng thái lát, hoa tiêu, vỏ quế, hồi hương, lá nguyệt quế, quả địa thảo, bạch khấu…vào, lửa lớn đun sôi xong để lửa nhỏ lại, hầm tầm 2 tiếng. Trước khi tắt bếp cho vừa lượng gia vị mặn nhạt tùy theo khẩu vị.
3) Xé màn đầu ra thành từng miếng nhỏ tầm bằng đầu ngón út.
4) Ngâm miến, mộc nhĩ xong rửa sạch thái nhỏ, tỏi băm vụn, thịt dê sau khi hầm xong cắt thành miếng nhỏ.
5) Bật lửa đun sôi nồi canh dê, sau đó cho mộc nhĩ, miến cùng với màn đầu đã xé nhỏ vào. Sau khi đun sôi, cho miếng thịt đã cắt, rắc thêm bột hồ tiêu trắng. Trước khi múc ra bát phải chuẩn bị sẵn dầu ớt, rắc tỏi vào là được.

=====================================================
Cái tinh túy trong “canh dê màn đầu” chính là màn đầu. Ở Tây An, muốn ăn “canh dê màn đầu” thì phải xé chiếc bánh thật nhỏ. Ai xé càng nhỏ thì chứng minh người đó ăn được món này mùi vị sẽ càng chính tông. Vì vậy, để ăn được món “canh dê màn đầu” mỹ vị như thế thì khi xé bánh mọi người phải thật kiên nhẫn nhé!
Có người từng nói: “Trên thế giới này, thứ có thể chữa lành được con người, thứ nhất là mỹ vị, thứ hai mới là câu chữ”. Vì vậy, dù câu chữ có tuyệt diệu đến đâu thì cũng không thể diễn tả hết được cái đẹp của thức ăn ngon. Chỉ khi bạn đích thân trải nghiệm mới có thể phát hiện ra cái mị lực trong nó!
*Màn đầu là một loại bánh giống như bánh bao nhưng không có nhân bên trong.
Nguồn: baidu, sohu
Biên dịch & biên tập: Nguyễn Bích Việt Anh