Thanh Minh là một trong 24 tiết khí của Trung Quốc, cũng là một lễ tiết truyền thống lâu đời của người Trung Quốc. Tiết Thanh Minh rơi vào tháng 3 âm lịch (tức khoảng ngày 5 tháng 4 dương lịch). Đây là thời khắc tiết xuân tươi đẹp, không khí khiết tịnh vì vậy mà nó có tên là tiết thanh minh.
Tiết thanh minh
Mục Lục
Vào tiết thanh minh, người ta có thói quen đi tảo mộ tổ tông (quét dọn mộ phần của người thân đã khuất). Người Trung Quốc có truyền thống kính lão, đối với tổ tiên đã khuất lại càng nhớ ơn và tôn thờ. Vì thế, mỗi lần tới lễ thanh minh, người người nhà nhà đều đi tới mộ phần của tổ tiên để tảo mộ. Người ta dọn sạch cỏ dại, thêm đất mới, thắp hương trước mộ, cúng đồ ăn và đốt giấy tiền. Tất cả những việc này nhằm biểu thị sự thành kính và nhớ ơn đối với tổ tiên.
Vào tiết tháng 3, ở vùng sơn dã cỏ mọc xanh rờn, bên sông cây liễu rủ dài, khắp nơi là một màu xanh mơn mởn. Đây là thời thích hợp để đi du ngoạn. Cổ nhân Trung Quốc thường có thói quen đi tới các vùng ngoại ô tản bộ, hoạt động này gọi là “đạp thanh”; lại ngắt cành liễu xanh cài lên trên đầu, gọi là “tháp liễu”. Nghe nói tháp liễu có thể tiêu trừ được quỷ quái và tai nạn. Bởi thế, ai cũng sôi nổi cài cành liễu, chỉ mong cầu được bình an và hạnh phúc.
Hiện nay, phương thức an táng cũng đã thay đổi rất nhiều. Hỏa táng đã dần thay thế cho thổ táng, bởi vậy các ngôi mộ trên những cánh đồng ngày một ít đi. Thế nhưng lễ bái tổ tông vào tiết thanh minh, đạp thanh đều là những phong tục truyền thống của người Trung Quốc. Cứ đến ngày này, người ta vẫn còn dùng các phương thức khác nhau để hoài niệm tổ tiên của mình. Họ cũng vẫn đi tới vùng ngoại ô hít thở không khí tươi mới, ngắm bầu trời xanh, ngắm cây xanh và ngắm cỏ hoa tươi sắc.
Theo Văn hóa Trung Quốc thường thức.