Skip to contentSkip to main navigation Skip to footer

Mình đã đi du học Trung Quốc như thế nào?

Mình đã đi du học Trung Quốc như thế nào?

Phần 1: Cái duyên đến với Trung Quốc

Chuyện là vào năm mình 18 tuổi, bố mình đã có một chuyến ngao du Trung Quốc dọc từ nam tới bắc. Khi tới Hàng Châu, bố gọi điện về cho mình. Mình còn nhớ lúc đó VTV vừa mới chiếu bộ phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài và mình có nói với bố là bố có thể đến thăm di tích trường học của Lương Chúc. Lúc đó bố mình chỉ trả lời một câu cụt lủn “tao làm gì có cảm hứng” làm mình giật mình lỡ tay bấm luôn phím kết thúc cuộc gọi.

Chẳng biết cái “không có cảm hứng” của bố mình ra làm sao nhưng ngay sau khi kết thúc chuyến hành trình 20 ngày phiêu bạt giang hồ của bố thì cuộc hành trình trôi dạt sông ngòi của mình bắt đầu. Ngay khi vừa đặt chân về nhà gặp lại bà vợ thân yêu và thằng con trai hay cãi, bố mình đã trình bày luôn kế hoạch trục xuất mình khỏi Việt Nam.

Lúc ấy bố cho mình tận 2 ngày để tìm hiểu về Trung Quốc nhưng mình chẳng tìm hiểu gì cả. Đối với mình khi ấy, du học cũng được mà học ở bất kì đâu, bất kì ngôi trường nào cũng chẳng sao hết, miễn là được tự do và sống thật xa ông bố độc tài của mình. Mất khoảng 10 ngày để mình làm xong hộ chiếu và visa Trung Quốc. Du học Trung Quốc thời ấy dễ lắm, chỉ cần làm visa du lịch rồi sang trường đại học bên ấy đăng ký nhập học, nộp tiền học phí và kí túc xá là xong. Nhưng do khi đó mình còn nhỏ tuổi, mạng xã hội cũng không phát triển như bây giờ để tìm hiểu cách thức đi du học cho nên mình đã đăng ký thông qua một đơn vị tuyển sinh ở trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội và tất nhiên là mất một khoản phí vừa vừa.

Vậy là chỉ vỏn vẹn sau chuyến du lịch Trung Quốc của bố mình đúng 2 tuần, mình đã bắt đầu cuộc hành trình du học mà mình không hề nghĩ rằng nó kéo dài tới hơn 10 năm vẫn chưa kết thúc. Đó là vào ngày 20 tháng 9 năm 2009, năm mà mình tròn 18 tuổi và thời điểm mình viết bài viết này là ngày 5 tháng 9 năm 2020 mình vẫn đang là một du học sinh tại Trung Quốc.

Thường thường, khi ta thích một thứ gì đó, ta phải tìm mọi cách để sở hữu nó, nếu không sở hữu được nó thì trong lòng buồn khổ. Nhiều khi những thứ mà chúng ta thích giống như trăng sáng đêm rằm vậy. Chẳng bao giờ ta có thể với được mặt trăng, chẳng thể cầm nắm, chẳng thể ôm ấp. Càng đuổi theo nó thì nó càng xa, đến cả cái bóng của nó in trên mặt hồ cũng vậy.

Mình kể từ lúc nhỏ đã có một cái tính rất lạ, những món đồ mà mình thích thì mình phải tìm cách có được ngay. Nhưng đối với những thứ phi vật chất, dù thích đến mấy mình cũng chẳng truy cầu. Hồi năm lớp 7, có một buổi tối mình bị chứng hoa mắt, nhìn đâu đâu cũng thấy những hình rất lạ giống như chữ gì đó. Mình bảo với bố, ban đầu bố không tin lắm cho đến khi mình vẽ một chữ đang hiện trên tường qua đôi mắt của mình. Tất nhiên cả nhà chẳng ai biết đó là chữ gì, chỉ nhớ là mẹ mình bảo chữ đó rất giống chữ Nho. Đấy là ấn tượng đầu tiên của mình về chữ Trung Quốc.

Sang đến năm lớp 8, mình mua một cuốn sách tự học tiếng Trung về để tự học. Kết quả là mình biết được một vài chữ nhưng cũng chẳng biết phát âm như thế nào. Cuối cùng mình cũng ném nó vào một góc tủ và quên hẳn ý định học tiếng Trung. Tới năm lớp 10, trong một chuyến đi du lịch Sa Pa trên con tàu cũ kĩ, trên toa có một chị gái xách theo rất nhiều hành lý. Khi ấy, có ai đó đã hỏi chị rằng chị đi đâu thì chị ấy nói là sang Trung Quốc du học. Đó cũng là lần đầu tiên mình biết rằng đi du học cũng có thể ngồi tàu hỏa, trước giờ cứ nghĩ là phải đi máy bay. Rồi lúc ngồi tàu từ Sa Pa trở về Hà Nội, mình lại gặp mấy anh chị người Brasil nói tiếng Trung rất giỏi. Có một anh còn dùng tiếng Trung để nói chuyện phiếm rất lâu với cô bảo vệ ở một ga địa phương. Và từ đó mình càng ngày càng cảm thấy đó thực sự là một ngôn ngữ có sức hút. Mình có hỏi mấy anh chị Brasil bằng tiếng Anh thì được biết họ đang du học tại Trung Quốc và nhân kì nghỉ hè họ sang Việt Nam du lịch chứ không muốn trở về nước vì quá xa.

Năm lớp 11, bố mang về nhà một tập báo và mình đã vô tình đọc được một bài viết rất hay. Tiêu đề của bài báo là “sự đoàn kết của cộng đồng người Hoa”. Đại ý bài báo nói về lý do tại sao người Hoa dù đi khắp nơi trên thế giới họ đều có thể xây dựng được một cộng đồng lớn mạnh, tại sao người Hoa kinh doanh rất giỏi và cộng đồng người Hoa có rất nhiều người giàu có. Đó chính là vì đức tính đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của họ. Lúc đó, ước mơ được sống giữa cộng đồng người Hoa để học tập họ ở bên trong con người mình mới chính thức bắt đầu. Mình còn nhớ lũ bạn hỏi mình sau khi học xong có dự định gì. Mình trả lời một cách rất tự tin rằng: “tao sẽ đi du học” mặc dù mình biết với điều kiện kinh tế nhà mình hồi đó thì việc đi du học là điều rất xa xỉ.

Có một điều mà khi ấy mình không nhận ra, đó là công việc làm ăn của bố rất rất ổn vào năm mình học cấp 3. Và sau khi học hết lớp 12, bố đã cho mình đi du học Trung Quốc. Ước mơ nó đã tìm mình như thế đấy. Đó là ước mơ lớn đầu tiên trong cuộc đời mình đạt được chỉ từ luồng suy nghĩ mạnh mẽ trong đầu mà mình hoàn toàn không hề truy cầu nó. Sau này ngẫm lại, tất cả những ước mơ lớn mình không hề theo đuổi mà chỉ giữ nó ở trong suy nghĩ thì đều đã và đang dần trở thành hiện thực. Mình thực sự tin rằng tâm trí có một sức mạnh vô cùng ghê gớm.

Phần 2: Vỡ mộng khi đi du học Trung Quốc

Vào thời điểm trước khi sang Trung Quốc, mình đã đăng ký lớp học tiếng Trung giao tiếp cấp tốc. Lúc bấy giờ trình độ giáo viên dạy tiếng Trung ở vùng tỉnh lẻ rất chán, đa số là phát âm sai. Mình may mắn khi gặp được cô giáo mang hai dòng máu Trung Việt. Cô đã học tiểu học và trung học cơ sở tại Trung Quốc sau đó lại học cấp 3 tại Việt Nam. Chính vì vậy mà trong 5 buổi học phát âm, mình đã không bị mắc những lỗi phát âm cơ bản của người Việt khi học tiếng Trung.

Với hành trang chỉ vỏn vẹn vài câu tiếng Trung giao tiếp, mình lên đường sang Trung Quốc nhập học với kế hoạch học 1 năm tiếng và 4 năm chuyên ngành đại học. Mình còn nhớ như in ngày hôm đó, nhóm mình có tất cả 25 học sinh tập hợp tại nhà khách Dân tộc trên phố Đội Cấn, Hà Nội để chờ xe. Đích đến chính là trường đại học Dân tộc Quảng Tây tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. 

Thực ra, ban đầu mình thích trường đại học Quảng Tây hơn vì nghe tên trường kia có chữ “dân tộc” mình cảm thấy nó cứ bị làm sao ấy. Nhưng dù sao thì cũng đã đăng ký rồi, miễn sao là được sống xa nhà chứ mình cũng không đòi hỏi nhiều. 

Hành trình du học của mình không có ngồi máy bay như mọi người nghĩ, mình ngồi ô tô vì thành phố Nam Ninh rất là gần Việt Nam. Để sang được tới Nam Ninh, bạn cần phải đi ô tô từ Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở Lạng Sơn với quãng đường là 180 km, thời gian di chuyển là 4 tiếng. Từ Hữu Nghị Quan ngồi tiếp xe khách tới thành phố Nam Ninh với quãng đường là 250 km, thời gian di chuyển là 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Hôm đó đoàn mình vừa làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu thì cũng đúng lúc có xe của trường tới đón. 

Hai người phụ trách đến đón đoàn mình là anh Trần Bình Giảng – hội trưởng lưu học sinh Việt Nam lúc bấy giờ và cô Lý Yến Lăng giáo viên quản lý lưu học sinh của học viện Giáo dục quốc tế – Đại học Dân tộc Quảng Tây. Ở trên xe anh Giảng có kể cho chúng tôi nghe sơ qua về tình hình của trường và của thành phố Nam Ninh. Tôi không có ấn tượng nhiều với những gì anh kể ngoại trừ một câu nói. Anh ấy nói rằng thành phố Nam Ninh đang có kế hoạch phát triển trở thành một Hong Kong thứ 2 của Trung Quốc. Lúc bấy giờ mình chỉ nghĩ trong đầu đó là chuyện nực cười, nhưng sau đó mình mới phát hiện ra rằng mình đã nhầm. Cô Lý thì nói tiếng Việt rất tốt, cô rất thân thiện và có nụ cười hiền từ như một người mẹ vậy. Đây cũng là cô giáo mà mình quý nhất cho tới tận bây giờ.

Khi xe tiến vào thành phố Nam Ninh, ấn tượng đầu tiên của mình với thành phố này chính là con đường có in cờ của Trung Quốc và 10 nước Đông Nam Á. Nam Ninh chính là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trong việc hợp tác phát triển kinh tế và mậu dịch.

Bàng hoàng khi nhận ký túc xá

Lúc mình đặt chân tới cổng trường thì cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. Và thế là chuỗi ngày ác mộng của mình cũng bắt đầu từ đây. Cơn ác mộng đầu tiên đến với mình chính là ký túc xá. Ký túc xá cho lưu học sinh là hai toà nhà cũ kĩ cao 5 tầng, 1 toà cho nam và 1 toà cho nữ ở. Điều tồi tệ nhất đối với mình đó là mình không được ở cùng phòng với các bạn cùng lớp mà phải ở ghép với các anh chị khoá trước. Cứ phòng nào còn giường trống thì bọn mình sẽ phải vào đó. Khi đó, mọi người nhanh chân chọn hết phòng chỉ còn có 2 phòng ở tầng 1 cho mình lựa chọn. Phạm Đăng Quang, một thanh niên Hà Nội mà mình rất ghét khi đó nhanh chân kéo va ly đi trước. Khi tới trước cửa phòng 102, không hiểu sao Quang bàng hoàng và quay ngoắt sang phòng 103. Và thế là xong, mình chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là đó chính là phòng 102. 

Mình bước chân tới trước cửa phòng 102 và ngó vào thì giật mình thấy một khuôn mặt già tầm tuổi ông chú mình ở quê. Vâng, đó chính là anh Tùng con chủ tịch. Đôi chân mình bắt đầu run rẩy không biết phải tiến hay lùi thì anh cất tiếng chào hiền từ “”hi em!”. Thế là mình trở thành bạn cùng phòng với anh Tùng như thế đó. Năm ấy mình tròn 18 tuổi, còn anh Tùng thì đã 38 tuổi, có 1 vợ và một vài đứa con. Anh đang là sinh viên năm cuối hệ đại học. Đây cũng là lần đầu tiên mình gặp gỡ một sinh viên đại học có tuổi đời già như vậy. Anh Tùng từng tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội, sau đó lại học đại học ở châu Âu, và lần cuối mình thấy anh ấy học đại học chính là ở Trung Quốc. Có lần mình hỏi tại sao anh ấy không chịu học thạc sĩ thì anh ấy trả lời rằng anh không thích.

Anh Tùng có thân hình cao to, là người ít nói và gương mặt có phần hơi lạnh lùng. Anh thích chơi game online và thích giả gái để được các cao thủ võ lâm kéo rank. Ngoài vợ con ở nhà thì bên đây anh còn có 1 cô bạn gái nữa. Bạn gái anh tên là Hiền, quê ở Bắc Giang. Chị rất tốt với mình, nhưng giờ mình cũng không nhớ nổi mặt chị nữa rồi vì học có 1 kỳ thì chị đi đâu mình cũng không rõ. Có hôm anh Tùng gọi mình ra một góc rồi hỏi mượn phòng, anh bảo: “hôm nay anh chia tay bạn gái, chú cho anh mượn phòng 1 tiếng nhé!”. Mình bất đắc dĩ phải lượn ra khỏi phòng, nhân cơ hội đó mình cũng tranh thủ đi dạo quanh trường để tìm hiểu ngôi trường mới.

Phòng ký túc xá trường mình khá rộng, một phòng có 4 người, có điều hoà, 2 chiếc quạt treo tường và 1 bình nóng lạnh. Tất cả sinh viên mới nhập học đều được trường phát cho 1 chăn bông và 1 chiếc gối. Giường ở ký túc xá là giường tầng, không phải người ở tầng trên người ở tầng dưới mà là kiểu tầng trên là giường ngủ còn tầng dưới là bàn ghế ngồi học và tủ treo quân áo. Mỗi người đều có 1 combo giường tủ và bàn học như vậy. Ký túc xá khá cũ nhưng mình cảm thấy nó không phải là vấn đề. Vấn đề lớn nhất ảnh hưởng tới việc học tập của mình đó chính là bạn cùng phòng.

Lúc mình nhận phòng thì phòng mình mới chỉ có 2 người thôi, đó chính là anh Tùng và anh Tâm. Về lý thuyết thì phòng mình có 3 người nhưng thực tế thì con số lên đến 5 người bao gồm mình, anh Tùng, chị Hiền, anh Tâm và Phương Anh – bạn gái anh Tâm. Nhìn chung thì đêm nằm hơi khó ngủ một chút vì có tiếng kẽo kẹt nhưng mình vẫn chịu được.

Bị lừa hết tiền

Mình vốn là người ở quê, trước giờ mình và lũ bạn ở quê đối xử với nhau vẫn rất thật, rất nhiệt tình với nhau. Nhiều khi bạn có việc cần tiền, có đứa còn đập cả lợn tiết kiệm của bố mẹ ra để lấy tiền cho bạn vay và mua 1 con lợn khác thay thế. Cho tới khi sang Trung Quốc, mình vẫn giữ lối sống như thế, rất nhiệt thành và tin tưởng mọi người.

Ở trong phòng, mình thường hay chơi với anh Tâm vì anh là người ở gần độ tuổi với mình nhất, chỉ lớn hơn mình 3 tuổi. Tâm rất tốt với mình, hay bắt chuyện, hay hỏi han và còn hay mua đồ ăn sáng cho mình nữa. Nhìn chung thì Tâm tốt đến mức khiến mình coi anh ấy như một người anh trai vậy. Có một hôm, Tâm gọi mình ra ngoài khu chợ xa để ăn tối vì anh Tùng lại mượn phòng để chia tay người yêu. Hôm ấy cũng là hôm đầu tiên mà Tâm hỏi vay 300 nhân dân tệ của mình. Mình cũng chẳng do dự mà cho Tâm mượn tiền và mình cũng chẳng nghĩ tới việc đòi lại. Hai tuần sau đó, Tâm lại hỏi mượn tiền vì túi bị thủng làm rơi hết tiền. Cứ cách 1 tuần Tâm lại nghĩ ra một câu chuyện bi thương để hỏi mượn tiền mình. Và cái dại nhất của mình đó chính là lòng thương người. Mình lấy cả thẻ ngân hàng có số tiền bố cho mình để tiêu trong 9 tháng đưa cho Tâm. Mình có nói với Tâm rằng khi nào cần tiền ăn thì anh cứ rút lấy mà tiêu. Mình khi ấy chỉ nghĩ rằng mình không muốn người anh em của mình bị đói bụng. Mình cũng không muốn anh ta phải hỏi mượn tiền mình nhiều vì có thể anh ta sẽ ngại. Thực ra số tiền đó nếu cho cả 2 anh em ăn uống 1 cách tiết kiệm thì cũng đủ sống qua ngày đấy. Nhưng mình nào ngờ Tâm đốt số tiền đó vào những cuộc vui trên bar, những bữa tiệc sinh nhật và những cuộc chơi lãng phí. Mình đã thực sự đã suy sụp khi nhận lại một chiếc thẻ ngân hàng trống rỗng.

Những ngày sau đó, mình sống phụ thuộc vào những đồng tiền lặt vặt mà Tâm đưa cho mình. Gia đình Tâm vẫn gửi tiền sang hàng tháng và anh ta đưa cho mình số tiền nhỏ bằng móng tay để mình ăn cơm. Mình nhờ anh ta mua cho mình 1 thùng mì và mình sống lay lắt qua ngày với những bữa ăn không ổn định. Mình chẳng dám và chẳng thể đòi tiền bậc đàn anh và thế là phải cam chịu một cuộc sống thiếu thốn. Khi ấy, mình cao 163 cm và chỉ nặng có 48 kg. Nhiều khi đói quá mình lại mặt dày gọi điện về xin tiền bố và nói dối rằng mức sống bên đây rất cao. Thực sự mình đã lãng phí rất nhiều tiền của bố mẹ. Và người thầy vĩ đại đầu đời của mình lại chính là Tâm. Anh ta đã dạy mình thế nào là xã hội và lòng người. Anh ta là người ta khiến mình phải thay đổi để thích nghi, từ một người hiền lành và đầy quyết tâm mình đã trở nên nghi ngờ tất cả mọi thứ.

Ngán ngẩm cuộc sống du học sinh

Cuộc sống trong khu ký túc xá bọn mình lúc bấy giờ như một xã hội thu nhỏ thiện ít dữ nhiều vậy. Trong ký túc xá nam của mình có đủ loại người, người tử tế thì mình ít thấy, nhìn bốn xung quanh chỉ toàn những vai phản diện. 

Tâm và Hùng là 2 người bạn cùng lớp với nhau, cứ mỗi lần gặp nhau là hai người tay bắt mặt mừng và đồng thanh hét “xin chào thằng bạn tốt”. Trước mặt thì là như thế thôi, chứ vừa quay đi là họ nói xấu nhau liền. Tâm thì suốt ngày bảo Hùng là thằng khốn nạn vì Hùng vay tiền Quang không trả. Hùng thì hay nói với Quang là Tâm suốt ngày chỉ biết lợi dụng mượn tiền đàn em. 

Trong khu ký túc này thì Hùng và Tâm lại chẳng có tên tuổi gì so với Minh – ông tổ của nghề vay mượn tiền. Minh vay được tiền của gần như toàn bộ người trong kí túc xá, và quan trọng là chẳng bao giờ trả. Anh ta thậm chí còn lừa cả tiền của bạn gái mình. Minh thực sự là một người khét tiếng ký túc xá, ai nghe tên là cũng phải tránh xa, trừ những người mới sang.

Có lần Vinh, một công tử nhà giàu miền Trung vì có mâu thuẫn với một thanh niên nào đó bèn vác dao tính chém kẻ thù. Sau một hồi lượn tìm quanh ký túc xá mà thanh niên kia lẩn kĩ quá không tìm được, Vinh lại càng trở nên nôn nóng. Chẳng hiểu thế nào đúng lúc đó Minh lại vừa đi ngang qua trước mặt, vừa đi vừa huýt sáo. Trong đầu Vinh bổng nảy ra một ý định, không tìm được thằng kia thì mình chém thằng này. Thằng này nó sống bẩn, vay tiền cả ký túc xá mà không trả, hôm nay mình phải thay trời hành đạo. Thế là Vinh xông tới chém, Minh giật mình bỏ chạy. Vừa chạy, Minh vừa ngoái lại hét lớn: “hi hi, đố anh bắt được em!”. Vinh chẳng nói chẳng rằng, vẫn đằm đằm sát khí đuổi tới. Chạy được một đoạn thì Minh vấp ngã, thế là Vinh kịp vung 1 nhát dao chém tới làm đứt luôn dây chằng cổ chân của Minh. Thương tích bao nhiêu phần trăm thì mình không rõ, chỉ biết là Minh nằm viện điều trị khá lâu, còn Vinh thì bị đuổi học về nước. 

Trong ký túc xá còn có các thành phần nghiện hút cần và đập đá. Nói chung là ngán ngẩm lắm. Mình có nghe một bà chị kể lại rằng thời mình còn đỡ, chứ thời trước đó mấy năm còn loạn nữa. Những năm về trước, có cả một hội lưu học sinh Việt Nam trong trường nghiện mai thuý. Khi ấy có một anh hội trưởng tài ba đã tiếp cận với tất cả những thanh niên nghiện và thu thập bằng chứng báo nhà trường. Và thế là một loạt những du học sinh nghiện ngập bị đuổi học về nước. Ngoài ra, trong ký túc xá còn có một đại ca thuộc dạng trưởng lão máu mặt. Bất kỳ du học sinh nào mới sang đều phải trình diện anh ta và phải mời đi nhậu. Có một hôm có 2 anh em từ Quảng Ninh mới sang trường thì đại ca bắt đi trình diện và bắt cả 2 anh em phải quỳ gối trước mặt đại ca. Thế là đúng 4 giờ sáng hôm ấy, hai thiếu hiệp nọ cầm dao đến phòng đại trưởng lão gõ cửa rồi chém trưởng lão suýt thì đứt lìa cánh tay. Sau đó hai thiếu hiệp bắt taxi chạy thẳng về biên giới và mất hút. Vị trưởng lão kia sau vụ đó cũng bị trường đuổi học luôn. 

Cái thời 8x và 9x đời đầu của bọn mình đi du học tại Nam Ninh nó là thế đấy. Nhiều cái khổ nhưng cũng có cái vui. Tình hình du học sinh cũng mỗi năm mỗi khác, các thế hệ sau ngoan và hiểu biết hơn thế hệ trước rất nhiều. Trường đại học Dân tộc Quảng Tây hiện nay không còn hỗn loạn như thế nữa mà đã trở thành một ngôi trường mơ ước của rất nhiều bạn trẻ, ký túc xá của trường cũng thuộc hạng tốt hàng đầu trong các trường đại học tại Trung Quốc. Vì vậy các bạn đọc tới đây đừng vội thất vọng nhé!

Những gì mình chia sẻ cho các bạn đều là sự thực và là những điều ám ảnh mà chẳng ai thời đó muốn kể cho các bạn nghe đâu. Đi du học là người ta thường nói cái tốt đẹp, những cái xấu xa thì phải che giấu đi cho khỏi mang tiếng. Kể ra mất công người ta lại bảo là đi du học như thế thì đi làm gì.

Thực ra thời thế mỗi lúc một thay đổi, tư duy của người lãnh đạo và tư duy của du học sinh cũng vậy. Những thế hệ tiền bối hồi xưa đi học khá là nóng tính, hơi chút thì đánh nhau. Từng có một thầy hiệu trưởng của một trường cao đẳng ở Nam Ninh kể với mình rằng, thế hệ 5x của thầy hồi xưa chỉ hơi tí là đánh nhau, chỉ cần chút mâu thuẫn là có thể dẫn đến xô xát. Thời thầy học cũng đã có nhiều du học sinh Việt Nam rồi, thời ấy chuyện sinh viên 2 nước đánh nhau rất là bình thường. Riêng mình cảm nhận được các em học sinh thế hệ sau mình sống càng ngày càng biết điều hơn.

Mình cảm thấy người Việt Nam mình nếu sống hoà mình vào tập thể với các bạn sinh viên Trung Quốc thì khá hoà đồng và ngoan ngoãn. Nhưng khi nhiều sinh viên Việt Nam tập hợp lại với nhau thì đúng là một thảm hoạ. Cho nên nhiều bạn lựa chọn đi du học ở những vùng có ít người Việt cũng là điều dễ hiểu. Riêng đối với mình, việc học tập ở trong môi trường đông người Việt là một trải nghiệm giúp mình hiểu nhanh nhất thế nào là cuộc đời. Bây giờ nếu cho mình lựa chọn học tiếp thì mình vẫn lựa chọn môi trường có nhiều người Việt bởi vì thứ mình cần bây giờ không phải là kiến thức nữa mà là các mối quan hệ.

Bỏ học và trốn tránh

Năm đầu tiên của mình là năm học tiếng, dự kiến sau 1 năm học mình cần thi được chứng chỉ tiếng Hán HSK3 để được vào học chuyên ngành. HSK thời ấy mình biết có đến tận 8 cấp, mình có nghe nói có trên cả cấp 8 nữa nhưng chưa bao giờ tận mắt thấy cái chứng chỉ HSK trên cấp 8 nó như thế nào.

Đi học được 5 buổi thì cũng là thời điểm mình được nghỉ quốc khánh Trung Quốc. Sau kỳ nghỉ đó mình đã quyết định nghỉ học không thời hạn. Vì lúc đó mình nghĩ bây giờ cái ăn còn phải lo từng bữa, còn tinh thần đâu mà học hành nữa. Hơn thế nữa, bạn cùng phòng thì chẳng ai cùng chí hướng rồi. Thế là mình chìm đắm vào game online. Game lúc ấy nó là thứ giúp mình vượt qua khủng hoảng tinh thần bởi trong game có những người bạn cũng là du học sinh từ nhiều nước. Họ là những người tuy xa lạ nhưng trong game chúng mình đều là những người bạn tốt. Chúng mình chia sẻ cho nhau về cuộc sống của từng người. Mình cứ chìm đắm vào thế giới ảo là như vậy. Tới bữa ăn thì lại ăn mỳ tôm, bữa nào sang chảnh nhất thì mua hộp cơm với cái đùi gà.

Bẵng đi một thời gian, nếu mình nhớ không nhầm là chỉ 3 tháng, trên đường đi dạo quanh trường, mình bắt gặp đứa bạn cùng lớp đang nói chuyện phiếm với cô giáo bằng tiếng Trung. Khi ấy, quả thực là mình cảm thấy rất ngưỡng mộ vì mới 3 tháng mà bạn giao tiếp ổn quá còn mình thì vẫn ở con số 0. Tự trách bản thân lắm nhưng mình đã lún quá sâu vào vũng bùn rồi.

Sang đến học kỳ 2, mình và Quang đều cùng xin chuyển phòng ký túc xá. Bọn mình tự nhủ phải tránh xa những người có ảnh hưởng tiêu cực. Quang không bỏ học như mình nhưng cũng không khác gì bỏ học vì khi lên lớp nó toàn ngủ… Hai đứa cùng chuyển lên phòng 210 ở tầng 2. Ở phòng mới này, bọn mình như được giải thoát khỏi những bí bách và ấm ức khi còn ở tầng 1. Phòng có 2 sư huynh Việt Nam sống khá hiền lành, tiếng Trung cũng rất giỏi, có điều cũng là con nghiện game online.

Từ lúc lên phòng mới, phòng mình bị phân hoá thành hai trường phái, mình và 2 sư huynh thì ngủ ngày cày đêm, còn Quang thì ngủ đêm cày ngày. Thứ mình ghét nhất ở phòng mới này đó là hai ông anh con nhà giàu suốt ngày mua gà rán để ăn đêm. Cái tầm nghèo đói và thiếu ăn như mình lúc ngửi mùi gà rán vào ban đêm nó vô cùng khó chịu. Muốn ăn thì chỉ có thể là ngửi mùi và tưởng tượng vậy. Lúc này mình chỉ ước có một cô bạn gái đóng vai thiên thần hộ mệnh đến kéo mình thoát ra khỏi cái cảnh khốn cùng này. Tự bản thân mình cảm thấy đã không còn động lực nào để cố gắng cho bản thân nữa.

Một năm học đầu tiên tại Trung Quốc kết thúc, thứ lớn lao nhất mà mình thu hoạch được đó là trở thành một cao thủ game online. Trình độ tiếng Trung của mình thì dừng lại ở vài câu mua bán. Nhiều lúc cũng có mấy ông anh ngỏ ý muốn dạy mình tiếng Trung nhưng mình nghe mấy ông ấy phát âm chán quá nên mình cũng không muốn học. Điều quan trọng nhất là mình không thể thi nổi HSK 3 để vào học chuyên ngành.

Phần 3: Hoà nhập cùng các bạn Trung Quốc

Sau khi kết thúc 1 năm học tiếng mà không đạt được mục đích ban đầu, mình đứng trước một quyết định nan giải. Lúc này trong đầu mình hình dung ra vài phương án. Một là học tiếp 1 năm tiếng cho thành thạo tiếng Trung. Hai là chuyển sang đại học Quảng Tây. Ba là xin vào học chuyên ngành mà không biết tí tiếng Trung nào. 

Mình đã không lựa chọn phương án 1 vì nó làm mình kéo dài thời hạn ra trường. Đại học Quảng Tây thì mình lại càng không thích vì trường này rộng lớn như 1 thành phố và nó không có 1 kiến trúc nào khiến mình ấn tượng, kể cả cây xanh cũng không được đẹp như trường đại học Dân tộc Quảng Tây. Sau khi nghe các bậc đàn anh nói rằng không biết tiếng vẫn có thể xin nợ HSK để vào học chuyên ngành, vậy là mình đã có một quyết định táo bạo đó chính là mò lên văn phòng tìm cô Lý Yến Lăng và năn nỉ cô cho phép mình vào học chuyên ngành. Với lời hứa chắc nịch là năm sau sẽ thi được HSK, mình được cô cho phép vào học chuyên ngành kinh tế và mậu dịch quốc tế (quốc mậu).

Khi đó mình nghĩ rằng mình đến đây là để học tập từ người Trung Quốc, nếu cứ mãi rúc trong cái cộng đồng người Việt như này mình sẽ chẳng khá lên được. Chính vì vậy mà mình đã bỏ kí túc xá để thuê nhà bên ngoài trường. Mình thuê một phòng khép kín trong 1 khu làng gần trường nên giá thuê 12 tháng còn rẻ hơn phí kí túc xá trong 9 tháng. Sau khi ổn định chỗ ở mới là từng ngày mình mong ngóng được sớm gặp gỡ các bạn Trung Quốc.

Mỗi lần nghĩ đến việc mình phải giao tiếp thế nào với các bạn Trung Quốc trong khi không biết tiếng Trung lại khiến mình đau đầu. Thế là một ý nghĩ bất chợt nảy ra. Mình nhắn cho Hằng – cô giáo đã dạy mình 5 buổi học phát âm hồi còn ở Việt Nam và rủ cô sang trường học đại học. Cô tuy hơn mình vài tuổi nhưng nhập học cấp 3 ở Việt Nam trễ cho nên cô tốt nghiệp cấp 3 sau mình 1 năm. Vì đã từng học tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc nên cô vẫn còn rất muốn quay trở lại học đại học. Chính vì vậy sau khi nghe mình trình bày rằng cô đủ điều kiện học đại học ở trường mình, cô đã lập tức xách va ly lên và đi. Và thế là từ cô giáo, Hằng trở thành bạn cùng lớp với mình và là lớp trưởng du học sinh. Hằng là người quan trọng ban đầu giúp mình dịch tên và làm quen với các bạn Trung Quốc.

Ấn tượng đầu tiên khi vào lớp

Ở Trung Quốc, sinh viên năm đầu đều phải học giáo dục quốc phòng cả tháng trời. Lưu học sinh thì không cần phải học cho nên mãi tận gần giữa tháng 10, sau khi kết thúc kì nghỉ quốc khánh Trung Quốc, mình mới được gặp gỡ các bạn cùng lớp. 

Khoá quốc mậu năm ấy chia làm 3 lớp, mỗi lớp có khoảng 40 sinh viên Trung Quốc. Những bạn nào học giỏi sẽ được học ở lớp 1. Còn 20 lưu học sinh Việt Nam thì được tự do chọn 1 trong 3 lớp. Mình và một số bạn Việt Nam khác quyết định cho Lê Toàn chọn lớp trước vì nó rất đầu gấu và mình sợ phải học cùng lớp với nó. Trong thâm tâm mình thì vẫn rất muốn chọn lớp 1.

Sau khi biết chắc chắn Lê Toàn đã chọn lớp 2, mình thở phào nhẹ nhõm vì được chọn học lớp 1 theo đúng nguyện vọng. Nào ngờ sau khi mình chọn xong thì Toàn suy nghĩ lại và nó lại nhảy sang chọn lớp 1 cùng với mình. Nghĩ mà cay cú nhưng thôi, chắc là số mệnh đã an bài rồi. 

Trong đám lưu học sinh Việt Nam lớp mình lúc ấy có Nhương, một cậu sinh viên vô cùng vênh váo và nói nhiều. Cậu này họ Nguyễn nhưng cứ mở mồm ra là gọi người khác là họ Trần. Và thế là từ đấy đội Việt Nam lớp mình có thói quen gọi nhau mang họ Trần hết. Một số nhân vật nổi trội của lớp mình khi đó là Trần Hằng (lớp trưởng lưu học sinh), Trần Huy, Trần Quang, Trần Toàn, Trần Nhật, Trần Nhương và mình tất nhiên là Trần Tiến (Tiến là tên khai sinh của mình). Mình không nhắc đến mấy bạn nữ Việt Nam khác vì mình không có ấn tượng gì mấy.

Vào buổi họp đầu tiên làm quen với lớp Trung Quốc và bầu ban cán sự lớp, các thanh niên họ Trần trốn sạch chỉ còn có mỗi mình và Trần Hằng tham gia. Các bạn Trung Quốc rất hăng hái đứng lên giới thiệu bản thân và tự ứng cử làm cán bộ lớp. Còn mình thì không hiểu hôm ấy ăn gan hùm hay gì mà xung phong lên bảng hát một bài. 

Mặc dù tiếng Trung không biết nhưng mình đã được học phát âm cho nên mình cứ hát theo trí nhớ bài hát mà mình hay nghe. Đấy là một bài hát cùng tên bộ truyện ngôn tình rất nổi tiếng lúc bấy giờ: “sẽ có thiên sứ thay anh yêu em”. Sau đó mình còn hát thêm 1 bài nữa là bài “đôi cánh thiên thần”.

Không biết là mình hát có hay không nhưng sau buổi tối hôm ấy, có vẻ các bạn Trung Quốc nhắc tới mình rất nhiều. Các bạn nữ Trung Quốc cũng xin số mình và còn rủ mình đi chơi nữa. Còn mình thì cũng bắt đầu làm quen, tập nhớ tên các bạn cùng lớp.

Lớp trưởng Vy Viên Viên là cô gái đầu tiên rủ mình đi chơi và đưa mình đi khắp nơi trong thành phố. Viên không xinh, dưới cằm còn có cái mụn ruồi to nhìn như tú bà vậy. Dù biết là mình không biết tiếng Trung nhưng Viên Viên cũng chẳng nể nang. Bạn ấy bắn tiếng Trung nhanh như 1 cơn gió còn mình thì nghe như vịt nghe sấm. Có lẽ nhờ những buổi đi chơi cùng Viên Viên mà sau này mình có đôi tai nghe tiếng Trung tốt lắm, không lệch phát nào.

Viên Viên có một cô bạn thân học lớp 2 tên là Cầm Thư Lâm, một cô gái có cái tên đẹp mà người cũng đẹp. Hai người họ lúc nào cũng như hình với bóng, chuyến đi chơi nào cũng đều đi cùng nhau hết, kể cả những buổi chiều tập bóng rổ. Vì mình thích Thư Lâm cho nên mỗi lần Viên Viên rủ mình đi chơi là chẳng bao giờ mình từ chối. 

Mỗi lần đi ăn uống, mình đều là người chủ động trả tiền nhưng hai người họ thì không thích như vậy lắm. Họ tỏ thái độ bất bình và sau đó mình không dám ga lăng nữa. Có hôm đi chơi, mình nhất quyết trả tiền đồ ăn và thế là lúc ra về hai người họ mua tặng mình nguyên 1 nải chuối.

Mình đã bắt đầu học những câu nói đơn giản nhất để giao tiếp. Mỗi lần học được câu gì mới là mình lại nhắn tin cho Thư Lâm. Có lẽ bạn ấy nhận ra được mình đang tán tỉnh bạn ấy cho nên chẳng bao lâu sau thì mình bị bạn ấy lạnh nhạt. Còn Viên Viên thì tất nhiên vẫn chơi với mình.

Trong lớp có khá nhiều bạn nữ xinh đẹp, mỗi bạn có một vẻ đẹp riêng. Vạn Tử Tinh mắt một mí và có nụ cười rất duyên, mỗi lần cười là đôi mắt cứ híp lại. Tăng Khâm Anh (đứa trẻ sinh ra ở Khâm Châu) thì lại đáng yêu theo kiểu con nít. Hai người này cũng có rủ mình đi nghe hát một lần nhưng vì mình quá ít nói cho nên tình hình cũng chẳng có gì tiến triển. 

Mãi sau này mình mới phát hiện ra, đa phần con gái Trung Quốc khi thích một ai đó thì họ đều chủ động rủ người đó đi chơi đâu đó. Nói chung là họ chủ động bật đèn xanh, nếu người con trai mà thích họ thì sẽ tỏ tình, nếu người con trai mãi không chịu tỏ tình thì họ sẽ tự biết là anh chàng đó không có tình cảm gì với mình.

Trong một tháng đầu học kỳ, mình được khá nhiều bạn nữ rủ đi chơi. Có hôm còn có cả Lý Á Cách, lớp trưởng lớp 2 rủ mình đi ăn kem. Với tư cách là lớp trưởng, Á Cách rất nhiệt tình với các bạn nam, còn đối với các bạn nữ thì bạn ấy lại chẳng giúp đỡ gì. Còn mình thì không quan tâm tới Lý Á Cách, lúc nào cũng chỉ nghĩ mình phải cưa đổ Thư Lâm mà thôi.

Cũng trong 1 tháng học, mình đã nhớ được tên gần hết các bạn trong lớp cả nam cả nữ. Điều mà mấy đứa bạn Việt Nam khác không thể nhớ nổi. Bọn con trai Trung Quốc lớp mình khá hiền lành và cục mịch. Con trai trong lớp thì nổi bật có một vài người thôi. 

Văn Minh Kỳ là cậu bí thư lớp nghiêm túc nhất mà mình từng thấy. Minh Kỳ có khuôn mặt rất giống với diễn viên Châu Nhuận Phát. Cậu ta đeo một đôi kính cũ, ăn mặc quần áo rất già và lỗi mốt. Mãi sau này mình mới biết cậu ta là con chủ tịch giả nghèo bởi vì vừa ra trường là cậu ta đã trở thành đổng sự trưởng (CEO) của một công ty tầm trung tại Quảng Tây.

Vương Kiệt cũng là một anh chàng gây ấn tượng trong lớp vì mang cái tên của chàng ca sĩ lãng tử Hong Kong. Cậu ta đẹp trai, cũng là con nhà giàu và rất ga lăng với các bạn nữ trong lớp. Kiệt có một cô bạn gái rất xinh đẹp học khác trường nhưng không hiểu vì sao sau này cậu ấy lại chia tay và yêu một cô gái khác học cùng lớp vừa xấu vừa lười.

 Chuyên ngành của bọn mình là mậu dịch quốc tế cho nên ai cũng phải chọn một ngoại ngữ và năm thứ 3 sẽ đi du học trao đổi 1 năm ở một nước khác và năm thứ 4 quay trở lại Trung Quốc để tốt nghiệp. Kiệt đã chọn học tiếng Việt và sau này sang học trao đổi tại đại học Thương Mại ở Hà Nội. Mình từng hỏi Kiệt có ấn tượng gì về Việt Nam không, Kiệt nói có lần cậu ta bị chuột cắn phải đi bệnh viện để tiêm phòng. Lúc đó bác sĩ Việt Nam đã xua tay bảo chuột Việt Nam sạch lắm không sợ đâu. Cũng không hiểu lý do gì mà ông bác sĩ Việt Nam không chịu tiêm cho cậu ta nên cậu ta đã phải về tận Trung Quốc để tiêm phòng.

Lý Kim Quan, cậu sinh viên nhà nghèo dành cả đời sinh viên để kinh doanh và khởi nghiệp. Chỉ trong vòng 3 năm đại học, cậu này phá hẳn 10 vạn nhân dân tệ cho những lần kinh doanh thất bại. Cho đến năm cuối, cậu ta dựa vào thân phận con nhà nông dân để vay vốn ngân hàng theo chính sách nhà nước và dồn hết số tiền đó mua 4000 con gà con để nuôi ở quê nhà. Quê cậu ấy ở vùng núi Bách Sắc tỉnh Quảng Tây cho nên gia đình có hẳn một quả đồi để cho cậu ấy nuôi gà. Rồi một ngày dịch bệnh xảy ra, đàn gà chết quá nửa. Cậu ta thất vọng và buông xuôi vứt bỏ hẳn đàn gà ở vùng núi hẻo lánh cho chúng tự sinh tự diệt. Kim Quan quay trở lại Nam Ninh để hoàn thành tốt nghiệp và xin việc làm kiếm tiền trả nợ. 

Một thời gian khá lâu sau, Kim Quan trở về quê thăm gia đình. Cậu ta phát hiện đàn gà con mà mình bỏ rơi ngày nào giờ đây vẫn còn sống. Gần 1000 con gà đã sinh tồn hoang dã và sống khoẻ mạnh mà không có chút tác động nào từ bàn tay con người. Cứ đêm đến là chúng lại tụ lại trên các cành cây và ngủ. Cậu ta bắt một vài con và gửi thử cho một nhà hàng ở Nam Ninh và thật bất ngờ là các thực khách của nhà hàng đó khen thịt gà rất ngon và có hương vị lạ chưa từng có. Sau khi bán gần hết số gà, cậu ta tìm hiểu nguồn thức ăn của đàn gà chính là côn trùng và các loại thảo mộc. Từ đó cậu ta tiếp tục mô hình nuôi gà bán hoang dã và cho ăn bằng thảo mộc. Công việc này giúp cậu ta kiếm được một số tiền lớn trong suốt vài năm sau khi ra trường.

Người mà mình chơi thân nhất là Quách Hiển Minh. Nó là đứa nói nhiều tới mức mỗi lần nghe nó nói mình chỉ muốn dán ngay cái băng dính vào miệng. Nhưng cũng nhờ nó nói nhiều cho nên cũng dạy mình biết khá là nhiều tiếng Trung. Nó hay mang laptop sang phòng mình chơi đế chế, thỉnh thoảng cuối tuần lại rủ mình ra tiệm net cày thâu đêm. Năm thứ 3 nó đi du học ở Malaysia, trong thời gian ở đây nó nướng hết tiền bạc vào sàn tiền ảo Forex và tay trắng trở về.

Mình vào học chuyên ngành được các thầy cô và bạn bè rất yêu quý cho nên những nỗi buồn về quá khứ mình đã dần dần quên hết. Việc chuyển ra khỏi kí túc xá và hoà nhập với các bạn Trung Quốc đã khiến mình sống tích cực hơn rất nhiều. Mình trở nên yêu đời mỗi khi đi học. Khi đó mình mới nhận ra ý nghĩa của việc du học Trung Quốc. Mình học được rất nhiều những điều tốt từ thầy cô và bạn bè.

Vào đầu tháng 11 học kì 1 năm nhất, bắt đầu có những đợt không khí lạnh về. Có hôm mình đi học muộn và bị thầy giáo bắt lên ngồi bàn đầu. Hôm đấy mình mới phát hiện ra trong lớp có một cô gái tên là Phan Giai Lệ. Nhờ bị lên ngồi bàn đầu mà mình biết đến Lệ. Đây là một cô gái vừa trắng trẻo, vừa cao lại vừa xinh, xinh hơn cả Cầm Thư Lâm nữa. Mình rất có ấn tượng với Giai Lệ vì cô ấy mang họ Phan – họ ngoại của mình. Vì mình không biết tiếng nên suốt buổi học mình cũng không nói gì với bạn ấy cả và bạn ấy cũng vậy. Thực ra lúc đấy cũng muốn bắt chuyện lắm nhưng lại phải giả vờ là thanh niên học hành nghiêm túc, phải ngồi yên chăm chú nghe thầy giảng. Tối hôm đấy mình tìm được số điện thoại của Lệ trong phần thông tin danh sách lớp. Hôm đấy điện thoại hết tiền nên mình có lấy điện thoại của Trần Huy (Đinh Quang Huy) để gọi thử vào số của Lệ rồi lại tắt đi luôn.

Nói về Trần Huy, ông này nhà gần đại học Hải Phòng, rất hay vào trường đại học Hải Phòng để chơi bóng. Có hôm vào trường chơi thì ông ấy bắt gặp Bàng Xuân Liên, một du học sinh Trung Quốc đang học trao đổi tại Việt Nam. Vì mê chị này quá nên ông ấy cũng theo sang tận Trung Quốc để học đại học, sau đó kết hôn với chị Liên luôn. Thời điểm mình lấy số ông ấy nháy sang số của Lệ thì ông ấy vẫn chưa kết hôn. Chị Liên thì hay ghen lắm. Có hôm mình nói đùa 1 câu với Liên là anh Huy lên lớp hay tia gái lắm thì bà ấy không nói gì nhưng khuôn mặt thì nổi đầy giông bão. Ông Huy thì quay sang bảo “mày vừa giết tao rồi đấy”.

Chị Liên hay ghen và bám chặt quá khiến Huy có cảm giác ngột ngạt. Hôm đó Lệ thấy cuộc gọi nhỡ thì có nhắn lại cho Huy. Nhân cơ hội đó Huy cũng bắt chuyện và làm quen với Lệ luôn. Nhiều lúc thái độ của Huy khi đó làm mình cảm giác ông ấy có lẽ muốn thay người yêu mới. Lệ thì lại hỏi Huy để xin số của mình rồi sau đó chủ động nhắn cho mình một tin ngắn gọn: “thì ra là anh…”. Lúc đấy mình đọc không hiểu nội dung tin nhắn nên mình lại quay sang hỏi Hằng. Rồi soạn nội dung để nhắn lại như nào cũng đều là Hằng chỉ cho.

Hồi ấy tất cả mọi người đều dùng công cụ chat là QQ. Từ hồi kết bạn trên QQ, Lệ ngày nào cũng nhắn tin cho mình. Mỗi một tin nhắn Lệ gửi đến, mình đều mất rất nhiều thời gian để ngồi tra từ điển. Có những câu có 10 chữ thì mình phải tra từ điển đến 8 chữ, ngoại từ những đại từ nhân xưng. Hồi đấy mọi người không dùng smartphone, việc tra từ điển không đơn giản như bây giờ. Mình dùng cuốn từ điển nhỏ tra theo bộ chữ, khi muốn tra 1 từ mình phải dựa vào 1 bộ trong chữ đó rồi đếm số nét sau đó tra mục lục. Nhờ có cách tra cổ điển đó mà mình nhớ từ mới rất tốt. Chỉ trong vòng 1 tháng mình đã tự tin giao tiếp được với Lệ qua công cụ chat. Cô ấy cũng rất kiên trì chờ đợi mình trả lời tin nhắn. Lệ là người đã dạy mình tiếng Trung, là người trực tiếp sửa cho mình những lỗi ngữ pháp và cũng chính là động lực lớn nhất cho mình trong việc học tiếng Trung.

Hàng ngày cứ tối đến là bọn mình lại nhắn tin cho nhau. Có hôm mình phải để tài khoản QQ ở trạng thái ẩn vì mình nghĩ nếu ngày nào cũng nhắn tin như này, cô ấy sẽ biết là mình có tình cảm với cô ấy mất. Và mình sợ một lúc nào đó cô ấy cũng sẽ lạnh nhạt với mình như Thư Lâm lúc trước. Thế mà ngay cả lúc mình để trạng thái offline thì Lệ cũng không cho mình được nghỉ ngơi, cô ấy vẫn nhắn hỏi có phải mình đang ẩn không. Từ hôm đó mình chẳng còn ngại khi nói chuyện với cô ấy nữa.

Dù giao tiếp đã tạm ổn trên mạng nhưng mình không biết nói, không có phản xạ khi nói tiếng Trung. Ngày nào cũng chat với nhau nhưng chẳng ai dám hẹn ai ra ngoài gặp mặt cả. Quách Hiển Minh thì cứ hai hôm lại chạy sang phòng mình chơi game. Lão Quách cũng thích Lệ lắm, trong lớp cũng có cả đám con trai thích cô ấy.

Cô bạn gái Trung Quốc đầu tiên trong đời

Bọn mình cứ nói chuyện với nhau qua mạng cả tháng trời mà không dám gặp mặt. Hôm 24 tháng 12 năm ấy, lão Quách sang phòng mình chơi. Nó hỏi mình là sao hôm nay không đi mua quà gì cho các bạn nữ. Mình thì có biết nó là ngày gì đâu mà tự nhiên mua quà. Lão Quách giải thích với mình rằng 25 là lễ giáng sinh, tối ngày 24 được gọi là đêm bình an, người Trung Quốc dù theo hay không theo đạo thì cũng đều mua một trái táo đỏ để tặng người thân yêu. Trong tiếng Trung thì “bình quả” chính là quả táo, người ta tặng táo vào đêm bình an với ngụ ý chúc người được tặng luôn được bình an.

Mình lúc ấy là một thằng nhát gái và sợ thất bại cho nên đã quyết định án binh bất động, quà gì cũng sẽ không tặng vào ngày này vì sợ Lệ biết tình cảm của mình. Lão Quách hôm đấy về sớm, còn mình thì ngồi nguyên cả ngày trong phòng suy tư về những trái táo.

Đúng 11 giờ tối hôm ấy Lệ bỗng dưng nhắn tin cảm ơn mình về những món quà. Lúc này mình đần người ra vì mình đâu có làm gì. Giai Lệ thì bảo mình đừng có chối nữa, có gan tặng quà không có gan nhận. Mình bèn hỏi cô ấy là quà gì thì cô ấy bảo cả phòng đều nhận được mỗi người một cốc trà sữa, riêng Lệ còn được tặng thêm một trái táo. Nghe đến trà sữa là mình biết ngay thủ phạm chính là lão Quách vì lúc chiều hắn có nói là phải đi mua trà sữa. Cái dại của lão Quách đó là có lòng tặng quà nhưng lại không ghi tên, lại thích làm người hùng giấu mặt để cho các bạn nữ phải đi điều tra tung tích. Có thể là lão Quách cảm thấy xấu hổ khi ra mặt nhưng làm như thế thì công chúa có cảm động đến mấy thì cũng sẽ rơi vào tay Lý Thông mà thôi.

Mình thì không muốn làm Lý Thông, có chết cũng nhất định phải làm một Thạch Sanh chân chính. Mình nói với Lệ rằng món quà đó là của người khác, quà của mình bây giờ mới là lúc để gửi tặng. Nói xong mình chạy như một thằng điên ra khỏi làng. Thật may là vẫn còn rất nhiều hàng táo đang bán. Mình mua một vài trái táo, mỗi trái đều được đựng sẵn trong hộp quà rất đẹp sau đó đến trước cổng ký túc xá tặng cô ấy và mấy cô bạn thân cùng phòng. Đấy cũng là lần đầu tiên sau một thời gian dài trò chuyện trên mạng mình được gặp Lệ. Cô ấy còn đẹp hơn cả hôm mình gặp mặt khi ngồi học ở bàn đầu. Con gái chắc ai cũng xinh đẹp vào buổi tối.

Lệ rủ mình đi dạo quanh trường. Lúc đấy cảm thấy có chút bối rồi vì mình vừa phát hiện ra là mình chạy ra khỏi phòng với một đôi dép lê. Bọn mình đi loanh quanh ở sân bóng rổ ở gần cổng trường phía đông. Sân này dù vào buổi tối hay ban ngày thì cũng đều rất đẹp, ở đó có những hàng cây cao bao quanh như một công viên xanh vậy. Thời điểm đó mình thực sự vẫn chưa biết nói tiếng Trung. Câu nói giỏi nhất của mình lúc ấy chắc là câu “wo xi huan ni”.

Cảm thấy có lẽ đây là thời cơ chín muồi, mình quyết định phải làm điều gì đó. Mình quay sang hỏi Lệ bằng tiếng Anh từ “kiss” tiếng Trung nói như thế nào. Cô ấy trả lời là “wen”. Được đà mình liền ôm và hôn cô ấy. Đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời mình. Sống 19 năm chưa biết cầm tay gái là gì chứ đừng nói là hôn. Đó là một cảm giác vừa hạnh phúc vừa cảm thấy mình như đang làm chuyện gì đó phạm pháp, sợ bị ăn tát nữa. Trời có chút lạnh, Lệ đồng ý làm bạn gái của mình. Cuộc đời mình đã rẽ sang một trang mới kể từ ngày hôm đó.

Phần 4: Quá trình học tập tại Trung Quốc

Kể từ hồi yêu Lệ, mình như hổ thêm cánh. Cô ấy dạy mình tiếng Trung khá kĩ và mình cũng tiếp thu rất nhanh. Trình độ tiếng Trung của mình khi ấy đã có một sự phát triển thần kì, chỉ trong một học kỳ mình đã vượt hơn khá nhiều bạn cùng lớp đã từng đi học 1 năm tiếng Hán trước đó. 

Bản thân mình có một khả năng tập trung cao độ, trong một hoàn cảnh nào đó thúc đẩy lòng quyết tâm thì mình có thể tập trung và tiếp thu một lượng kiến thức lớn hơn rất nhiều lần khả năng tiếp thu của bạn bè xung quanh. Mình nhớ hồi cấp 2, trong một lần lên bảng được điểm 2 môn vật lý, mình về nhà nghiên cứu lại quyển sách giáo khoa vật lý mà từ đầu học kỳ năm đó mình không hề hiểu một chút kiến thức gì cả. Chỉ trong lần tập trung đầu tiên, mình đã hiểu được nguyên lý cơ bản. Sau 3 ngày, mình xung phong lên bảng và được điểm 9 cùng với ánh mắt ngạc nhiên của bọn bạn khi thốt lên “thằng này thông minh đột xuất.” Sau điểm 2 đó là nguyên cả năm học không lần nào mình được điểm dưới 9 cho môn vật lý cả. Càng lớn lên, khả năng tập trung cao độ của mình càng mạnh và đối với những gì mình có cảm hứng thì mình có thể tập trung tới mức người bên cạnh gọi cũng chẳng nghe thấy. Đấy cũng là lý do mình chẳng bao giờ làm được hai việc cùng một lúc cả.

Năm học chuyên ngành đầu tiên là năm mình đi học chăm chỉ và gần như lên lớp đầy đủ. Lượng từ vựng về chuyên ngành mình tích luỹ dần sau mỗi lần lên lớp cũng cơ bản đủ để nghe hiểu về môn học đó tuy là không giỏi. Đó là lý do mà sau này có nhiều bạn đạt trình độ HSK4 sắp phải vào học chuyên ngành và họ lo lắng không thể theo kịp thì mình đều khuyên họ rằng HSK4 hoàn toàn có thể theo học vì họ có hẳn 4 tháng trời trước kì kiểm tra cuối học kỳ để đi học và tích luỹ dần dần các từ vựng chuyên ngành, 4 tháng là khoảng thời gian đủ nhiều cho việc vừa học vừa thực hành. Tất nhiên, lời khuyên đó chỉ dành cho những người có chí hướng.

Mỗi lần lên lớp học, mình đều ngồi cạnh Hằng, thường là ngồi cuối. Phan Giai Lệ người yêu của mình thì luôn ngồi hàng trên cạnh những cô bạn thân cùng kí túc xá là Phan Linh, Lý Tiểu Phượng. Lịch học của bọn mình không chỉ học ban ngày mà còn có cả buổi tối nữa. Đấy cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời mình phải đi học tối. Các trường học ở Trung Quốc đa phần đều rất rộng và đều có đủ kí túc xá cho sinh viên, vấn đề thiếu chỗ ở cho sinh viên trong trường gần như không có cho nên việc nội trú khiến cho việc đi học vào buổi tối không phải là một vấn đề gì quá to tát. Thỉnh thoảng sau buổi học tối mình lại rủ Lệ và mấy cô bạn của cô ấy đi ăn đêm.

Thi cao khảo – kì thi lên đại học ở Trung Quốc là một kì thi cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chính vì thế những bạn có thể thi đỗ vào đại học đều là những bạn thực sự xuất sắc. Mình cảm thấy rất ngưỡng mộ các bạn Trung Quốc cùng lớp. Tuy mỗi người mỗi tính nhưng mình cảm thấy họ thực sự đều có một điểm chung gì đó xuyên suốt và nhất thống, họ có một chút hiền lành, một chút thiên chân và thái độ nghiêm túc trong học tập. Tất nhiên sự nghiêm túc trong học tập ở họ cũng giảm dần theo mỗi năm học. 

Cách họ đối xử với nhau trong tập thể cũng khiến mình cảm thấy thích thú. Họ nói chuyện với nhau rất lịch sự và điềm đạm, khiêm nhường và tôn trọng đối phương. Không phải lúc nào họ cũng hoà hợp, những khi phát sinh mâu thuẫn họ cũng cư xử khá là bình tĩnh khiến mình cảm thấy mình đang là một đứa trẻ được sống trong thế giới của những người lớn. Cách cư xử của các bạn ấy cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách mà mình ứng xử với người xung quanh và với các tình huống phát sinh ngoài xã hội hiện nay.

Kì thi cuối kì ở Trung Quốc có lẽ là được phân ra làm hai hình thức: gấp sách và mở sách. Gấp sách tức là bạn phải tự trả lời câu hỏi mà không được xem tài liệu. Còn mở sách tức là đề thi sẽ cho bạn những câu hỏi và bạn có quyền mở sách để tìm đáp án ở trong đó. Các bạn Trung Quốc hay lưu học sinh thì đều giống nhau đều thích thi mở sách. Ở trường mình thì hầu như lưu học sinh lần nào cũng được thi theo hình thức mở sách còn các bạn Trung Quốc thì tuỳ từng môn. Cũng có nhiều khi lưu học sinh được cho đề riêng và đơn giản hơn.

 Thành tích tối thiểu để được qua môn cho sinh viên Trung Quốc là 6 điểm, còn đối với lưu học sinh khi đó là 4.5 điểm, nếu không vượt qua được điểm tối thiểu thì bạn sẽ phải thi lại. Trong lần thi lại này, điểm của bạn dù có cao đến mấy thì cũng chỉ được tính 6 điểm mà thôi. Nếu lần thi lại mà vẫn không đủ điểm qua môn thì sẽ phải đăng ký học lại và đóng tiền học. Tiền học phụ thuộc vào số học phần của môn đó, một học phần phải đóng 60 tệ, ví dụ môn “thống kê học” có 2 học phần thì phải đóng 120 tệ. Để đủ điều kiện tốt nghiệp thì ai cũng phải học đủ số học phần theo quy định. Bắt đầu sang năm thứ 2, điểm tối thiểu cho lưu học sinh đã bị thay đổi từ 4.5 sang 6.0 y như sinh viên Trung Quốc.

Năm học đầu tiên mình chẳng bị trượt môn nào cả, thậm chí còn điểm cao nữa vì các thầy cô thương mình đi học đầy đủ. Đó chính là lý do mà sau này mình rất thuận lợi khi xin học bổng thạc sĩ. Sang năm 2 thì mình phải học lại môn toán. Đối với sinh viên ngành kinh tế thì có lẽ toán là môn học ác mộng nhất. Và mình đang có một suy nghĩ không biết đúng hay sai: “hình như các ông thầy dạy toán ở Trung Quốc đa phần ông nào cũng thuộc type người gầy chứ không phải béo”.

Có một điều mình cảm nhận được ở các thầy cô dạy chuyên ngành tại trường mình, họ tuy đến từ mọi miền của đất nước Trung Quốc rộng lớn nhưng họ đều có chung sự nhiệt huyết trong giảng dạy, sự yêu thương và tôn trọng học trò của mình. Nói chuyện với các thầy cô mình chưa từng có áp lực như đang nói chuyện với một bề trên. Mình cảm nhận được sự tôn trọng từ người thầy của mình dành cho mình, cảm giác như đó vừa là một vị thầy vừa là một người bạn. Cô giáo chủ nhiệm khi ấy là cô Lương Đông Mai thực sự hiền từ như một người mẹ. 

Sang năm thứ 2, các môn học ngày một nhiều lên, mình lúc này đã khá tự tin và không còn sợ điều gì khi đi học nữa. Năm thứ 2 là năm mà có các môn chính trong chuyên ngành xuất hiện. Những môn chính thức này mình không được phép học lơ là bởi thành tích nó quyết định mình có đủ điều kiện để nhận được bằng học vị hay không.

Ở bên Trung Quốc, sinh viên đại học chỉ cần học đủ các học phần là có thể ra trường và có bằng tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp tại Trung Quốc thì không có loại khá hay loại giỏi, tất cả đều như nhau hết. Có điều những ai có thành tích tốt trong các môn quan trọng thì sẽ nhận được thêm một tấm bằng nữa gọi là “học vị học sĩ” hay như ở Việt Nam mình gọi là “học vị cử nhân” vậy. Chính vì thế bọn mình gọi những môn quan trọng đó là “môn học vị”. Ở Trung Quốc, đa phần các sinh viên không có bằng học vị khi đi xin việc sẽ cảm thấy rất tự ti vì nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mình học kém.

Sang năm thứ 3, các bạn Trung Quốc đi du học gần hết. Đa phần họ đều sang học trao đổi 1 năm ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Mianma. Chỉ có 2 người sang Mỹ là Phan Linh và Thúc Văn Tân. Còn lưu học sinh bọn mình thì không ai chọn đi nước nào cả, bọn mình được tách thành một lớp riêng không học cùng các bạn Trung Quốc nữa. Lớp mình có cô giáo chủ nhiệm mới là cô Châu. Mình bắt đầu được nhận thầy hướng dẫn. Thầy mình là Cao Ca, một vị giáo sư già sắp đến tuổi nghỉ hưu và có thành tích đáng nể trong việc nghiên cứu văn hoá các nước Đông Nam Á. Nhiều người bạn mình sau này xin học bổng thạc sĩ đã nhờ mình xin thầy giới thiệu, mình đều xin giúp họ nhưng bản thân lại chẳng mảy may nghĩ gì đến việc học tiếp lên thạc sĩ cả. Năm 3, mình cũng đi làm bồi bàn cho 1 khách sạn 4 sao. Quãng thời gian ngắn làm việc tại đây tuy mệt nhưng lại có nhiều kỉ niệm vui. 

Kỳ 2 năm 3 là thời gian mà mình trốn học rất nhiều để đi làm cho một công ty bán ô tô, công việc của mình chủ yếu là quản lý web. Vì luật của Trung Quốc là không cho lưu học sinh đi làm thêm, nhất là những công việc mang tính chất cố định, hàng ngày đến văn phòng lại càng bị cấm cho nên vừa đi làm mình vừa lo bị nhà trường đuổi học. Bọn bạn mình thì luôn luôn ngưỡng mộ vì mình lúc nào cũng có việc để làm.

Đến năm cuối thì mình dừng hẳn việc đi làm thêm để tập trung cho tốt nghiệp. Năm ấy có rất nhiều công ty Trung Quốc đầu tư về Việt Nam đã đến tận trường để tuyển dụng. Những người tuyển dụng thậm chí còn lên tận lớp bọn mình ngồi học để tuyển nhân sự. Lúc ấy, mình có cảm giác vui sướng như kiểu mình là nhân tài được săn đón vậy. Đối với những công ty lần đầu khai phá thị trường Việt Nam thì việc được họ tuyển dụng là một cơ hội tốt cho sự thăng tiến của bạn. Có nhiều người vì là người đầu tiên được tuyển dụng để phụ trách đưa công ty vào thị trường Việt Nam còn có cơ hội đảm nhiệm vị trí giám đốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm ấy mình chẳng xin vào công ty nào cả bởi vì mình đã đi làm suốt từ kì 2 năm 3 cho đến kì 1 năm cuối. Mình đã chán ngấy cái cảnh hàng ngày phải dậy đúng giờ và đi ngủ đúng giờ rồi. Thế nên là thời gian đó mình chỉ dành chút thời gian còn lại chuẩn bị cho việc tốt nghiệp và tranh thủ đi chơi hoặc hưởng thụ thời gian tự do không làm gì cả.

Phần 5: Sự thay đổi trong xã hội Trung Quốc

Thời gian mình bắt đầu sang Trung Quốc, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào. Theo những gì mình được biết thì ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền trong bối cảnh cái bóng của Giang Trạch Dân – người tiền nhiệm của ông còn quá lớn và gần như thâu tóm chính trường Trung Quốc. Giới quan chức thì chia bè kết phái, ngoài xã hội thì xã hội đen hoành hành. Luật pháp tuy nghiêm nhưng những kẻ đứng trên pháp luật thì quá nhiều. Cảm giác như xã hội Trung Quốc khi đó đầy dẫy những bất công, mờ ám và tiêu cực. Đó chỉ là cảm giác của một cậu thanh niên mới lớn ở độ tuổi 18 – 19 như mình, không rõ các thế hệ tiền bối có nhiều trải nghiệm thì nhìn cuộc sống khi ấy như thế nào.

Năm 2010, Đại học Hà Bắc xảy ra “vụ tai nạn Lý Cương” gây chấn động toàn Trung Quốc. Lý Khởi Minh trên đường chở bạn gái mình bằng xe ô tô về ký túc xá đã đâm chết một nữ sinh và làm bị thương một sinh viên khác. Khi bị các nhân viên bảo vệ của trường giữ lại, hắn ta đã nói lớn tiếng rằng “cha tao là Lý Cương”. Kẻ đã gây ra vụ tai nạn thương tâm đó chính là con trai của Lý Cương – giám đốc công an thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đương thời. Sau này, do áp lực dư luận, Lý Khởi Minh cũng bị phạt tù và phải bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân.

Năm 2011, một vụ tai nạn thương tâm khác xảy ra ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã gây sốc cho người dân toàn Trung Quốc và trở thành tin nóng thế giới. Đó là vụ tai nạn của bé Duyệt Duyệt. Cô bé bị một chiếc xe ô tô cán qua nhưng không một ai đi ngang qua cứu giúp. Điều gây đau lòng ở đây là có đến 18 người đã đi ngang qua và nhìn thấy Duyệt Duyệt nhưng họ phớt lờ và tiếp tục bước đi như không hề thấy gì để mặc cho cô bé bị liên tiếp những chiếc xe khác cán qua. Cuối cùng chỉ có một người làm nghề nhặt rác tới cứu cô bé, bà hô hoán nhưng tất cả những người xung quanh đều vờ như không nghe thấy. Bé Duyệt Duyệt cuối cùng đã qua đời vì bị thương quá nặng.

Ngoài hai vụ tai nạn trên, còn rất nhiều những sự việc đáng tiếc khác xảy ra. Nó khiến cho người dân Trung Quốc phải nhìn nhận lại bản thân khi đang phải sống trong một xã hội vô cảm tới mức độ nào. Nó nói lên sự mất niềm tin của người dân vào xã hội, vào pháp luật và niềm tin vào cuộc sống. Vụ tai nạn Lý Cương nói lên sự bất công về quyền lực đứng trên pháp luật, vụ bé Duyệt Duyệt chứng tỏ lòng người không chỉ vô cảm mà còn là sự sợ hãi bị oan sai phiền phức, không dám cứu người.

Khi còn ở Việt Nam, mình rất thích xem phim điện ảnh võ thuật Hong Kong, trong phim có rất nhiều những cảnh quay về dân xã hội đen và các cuộc thanh trừng, đánh chém của họ. Thật chẳng ngờ là khi sang Trung Quốc, mình lại được chứng kiến tận mắt cảnh thật mà như phim này. Có những tối đi ăn đồ nướng ngoài đường cùng lũ bạn, mình đã bắt gặp cảnh đánh chém của dân anh chị. Đó là cảnh đoàn xe 9 chỗ lao tới, bước xuống là vài chục người với đao, kiếm, mã tấu, gậy gộc để đánh người. Lần đầu thấy cảnh tượng như vậy, mình chỉ biết tránh đi thật xa, đứng lại xem cũng chẳng dám xem. 

Một vài tuần sau vụ đó, lại xảy ra một vụ chém người khác của xã hội đen nhưng vụ lần này căng thẳng hơn vì người bị chém lại là du học sinh. Nạn nhân chính là thằng bạn cùng lớp với mình, rất may cho nó vì khi đó là mùa đông nên ai cũng mặc nhiều áo. Bạn mình bị chém từ sau lưng và xuyên qua 3 lớp áo dày. Rất may là nó không bị trọng thương. Nhà trường xem sự việc này rất nghiêm trọng vì lần đầu tiên có du học sinh bị tấn công, đích thân thầy hiệu trưởng đã đến tận phòng bạn mình để thăm hỏi. Sau đó nhà trường liên tục phát những cảnh báo du học sinh không được phép ra ngoài đường vào ban đêm.

Bản thân mình cũng thuê nhà trọ của một dân anh chị mà không biết. Có hôm mình thấy ông chủ nhà trọ dẫn đầu 1 đoàn vài chục người với vũ khí trên tay mình mới hiểu ra vấn đề là mình đang thuê nhà của một kẻ xã hội đen. Sau lần đấy mình cũng sống ngoan hẳn, đến hít thở thôi cũng phải giữ ý tứ. Tuy nhiên, sau này mình cảm nhận được ông bà chủ sống khá dễ chịu, giữ chữ tín và rất hào sảng.

Thời ấy, ở thành phố mình sống, nạn trộm cắp, móc túi thậm chí là cướp cũng xảy ra khá phổ biến. Khi lên xe bus, ai ai cũng phải thật chú ý tới vật phầm tuỳ thân của mình. Đi ra ngoài đường, điện thoại hay ví tiền chỉ hở ra tí là mất. Thậm chí có trường hợp bọn tội phạm manh động tới mức còn dí dao trên xe bus để cướp tiền. Mình thì ít đi xe bus vì mình có mua xe tay ga, xe ở bên đấy giá cũng rẻ, chỉ khoảng 10 triệu Việt Nam đồng là có thể mua 1 chiếc mới cứng rồi. 

Số mình thì chẳng bao giờ bị mất đồ (có lẽ mình là cháu ruột của ông thần giữ của). Có hôm, Giai Lệ rủ mình đi chơi xa, phải đi bằng xe bus. Lúc xếp hàng để lên xe trở về trường, mình tự nhiên có cảm giác chẳng lành nên cho tay vào túi quần một cách tự nhiên thì thật hốt hoảng, mình nắm phải bàn tay kẻ móc túi. Lúc đó tay mình đã nắm chặt còn hơn lần đầu nắm tay Giai Lệ nữa. Rồi mình quay đầu nhìn lại, kẻ trộm là một ông bác ở độ tuổi ngoài 50, mắt ông ta nhắm chặt lại như muốn đầu hàng. Lúc đó mình ngó xung quanh thấy một anh cảnh sát đứng cách mình chỉ 5 mét nhưng mình quyết định không báo cảnh sát và thả ông ấy ra bởi vì đó đã là chuyến xe bus cuối cùng về trường trong khi đoàn người xếp hàng vẫn còn rất đông. Mình và Giai Lệ cần phải trở về trường an toàn trước khi quá muộn.

Nói đến chiếc xe tay ga của mình thì có đến 3 lần nó bị ăn trộm nhưng không mất. Một lần, Hằng mượn xe của mình ra sân vận động chơi nhưng chỉ khoá cổ xe mà không dùng thêm khoá chữ U, tới lúc ra thì cái ổ khoá xe của mình đã bị trộm vặn nát rồi. Rất may là tên trộm không khởi động được xe cho nên đã bỏ cuộc. Vì nạn trộm cắp hoành hành quá dữ dội cho nên xe cộ ai cũng phải dùng thêm khoá chữ U móc vào bánh nữa cho an toàn. Lần 2 là xe của mình để trong khu nhà trọ bị trộm dắt đi nhưng xui cho nó là vừa dắt ra tới cửa thì bị bà 80 tuổi bắt được và nó phải bỏ xe chạy mất vì bị bà chửi. Bà già ấy là mẹ của ông chủ nhà trọ, đúng là hổ mẫu sinh hổ tử. Lần 3 là lần mình đi xe sang Đại học Quảng Tây chơi, sau đó vì có việc gấp phải về Việt Nam nên mình đã để xe ở đấy 2 tuần, sau khi quay trở lại thì cả ổ khoá xe và khoá chữ u đều bị vặn nát tươm không thể nào mở được, mình phải thuê người dùng máy để cắt đôi khoá chữ u và thay ổ khoá cổ xe.

Trong lớp mình có 2 con bạn tên là Hoà và Hạnh rủ nhau đi mua 2 chiếc xe giống hệt để đi học cho tiện, tiết kiệm lắm mới được 3000 tệ để mua xe. Hôm sau hai đứa đi học có để xe cạnh nhau và khoá lại cẩn thận lắm. Hạnh thì ngoài khoá cổ còn khoá thêm 1 khoá chữ u, trong khi Hoà lại càng cẩn thận hơn khi khoá đến 2 cái chữ u, một ở bánh trước và một ở bánh sau. Sau giờ học, xe của Hoà bị trộm mất trong khi xe của nó dùng nhiều khoá nhất mà lại đặt ngay cạnh xe của Hạnh có ít khoá hơn. Lúc đó, Hoà chỉ biết ngồi khóc và buồn bã mất mấy tuần vì 3000 tệ là số tiền rất lớn đối với bọn mình thời ấy. Mình cũng đến nể tên trộm về độ vượt khó và yêu thích thử thách như vậy.

Cuối năm 2012, Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay khi vừa nhậm chức, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng mà thường được người dân gọi là “chiến dịch đả hổ diệt ruồi”. Các đối tượng mà chiến dịch chống tham nhũng của ông nhắm tới không có giới hạn, từ quan chức cấp cao trong bộ chính trị cho tới các viên chức địa phương. Năm 2013, Tập Cận Bình tiếp nhận chức chủ tịch nước Trung Quốc. Ông Tập có lẽ là một người theo tư tưởng pháp trị của trường phái pháp gia, lấy pháp luật nghiêm minh để trị quốc. Chỉ trong vòng nửa năm kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được khởi động, xã hội Trung Quốc đã đi vào một trật tự mới. Hàng loạt các quan chức từ trung ương tới địa phương bị điều tra, bị bắt đã khiến giới quan chức trên toàn Trung Quốc phải thận trọng hơn và dường như nạn tham nhũng đã bị loại bỏ đáng kể. Hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng được phát huy tới mức chỉ một thường dân thôi cũng có thể cảm nhận được tác động của nó. 

chiến dịch loại trừ nạn xã hội đen tại Trung Quốc
Ảnh biểu ngữ “tảo hắc trừ ác” cổ vũ và tuyên truyền việc loại trừ xã hội đen, lấy lại chính khí cho xã hội được treo trên đường phố Trung Quốc.

Không dừng lại ở chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập còn ra nhiều chính sách và chiến dịch giúp loại trừ những hủ bại trong xã hội Trung Quốc. Trong đó, vấn nạn xã hội đen được coi là bệnh ung nhọt đối với hoà hợp xã hội và cần phải bị loại trừ. Các băng rôn khẩu hiểu “tảo hắc trừ ác” được treo trên khắp các con phố. “Tảo hắc trừ ác” ở đây chính là quét sạch xã hội đen, loại trừ cái ác. Các chiến dịch này thực sự có hiệu quả khi xã hội đen không còn dám lộng hành, vấn nạn trộm cướp đã giảm tới mức chẳng ai còn cảm nhận được sự tồn tại của nó nữa. Trên mặt trận văn hoá, Trung Quốc siết chặt kiểm duyệt nội dung các bộ phim, đặc biệt là cấm luôn làm phim về các chủ đề như tình yêu đồng giới hay phim cung đấu…Chính sách giáo dục cũng được cải cách, các giá trị đạo đức truyền thống của Trung Quốc được đề cao. Ngoài ra, trật tự đô thị cũng thay đổi tích cực khi vỉa hè cho người đi bộ không còn bóng dáng của những hàng quán lấn chiếm trái phép lề đường nữa. Pháp luật được thượng tôn thông qua các chính sách cải cách hiệu quả và xã hội Trung Quốc trở nên an toàn hơn bao giờ hết.

Từ khoảng năm 2013 trở lại đây, mình cảm giác sống ở Trung Quốc vô cùng an toàn. Chưa bao giờ mình có cảm giác phải lo lắng khi bước chân ra ngoài đường. Tuy rằng ở nhiệm kỳ thứ 2, chính quyền ông Tập đã có nhiều hướng đi nóng vội gây mâu thuẫn căng thẳng với các nước láng giềng và nhiều nước khác trên thế giới, không thể phủ nhận ông là một người xuất chúng khi đã thiết lập cho Trung Quốc một trật tự mới tiến bộ hơn trong một thời gian vô cùng ngắn.

Phần cuối: Cuộc sống tại trường Đại học Dân tộc Quảng Tây

Trong suốt hơn 10 năm sống tại Trung Quốc, mình đã ghé thăm khá nhiều ngôi trường. Không nơi đâu khiến mình có cảm giác muốn ở lại như trường đại học Dân tộc Quảng Tây (Dân đại). Trường Dân đại được mệnh danh là “thâm lâm” bởi nơi đây cây cối mọc như rừng với các loài thực vật phong phú. Sống ở đây giống như sống trong một khu rừng được bảo tồn vậy. Mình thích nhất là tiếng hót ríu rít của những đàn chim vào buổi sớm. Nghe chúng hót khiến cho người ta tạm thời quên đi hết những muộn phiền, tạm xua đi cảm giác đơn độc và trống vắng.

Có đêm, mình ngồi trước ban công vừa nghe tiếng chim hót vừa ngắm thành phố về khuya. Rồi mình thầm nghĩ về tương lai và quá khứ. Đôi lúc mình tự hỏi liệu số mệnh có thật sự tồn tại, liệu mọi thứ đến với ta ngày hôm nay đều là một sự sắp đặt phải không. Có lẽ việc mình đến học tập tại ngôi trường này cũng đều là vì một nhân duyên lớn. Theo những gì Quang kể, trước khi sang Trung Quốc, nó đã từng mơ thấy những người bạn nó sắp quen và quả thực khi tới Trung Quốc nó đã gặp được những cái tên quen thuộc trong giấc mơ của nó. Mình tin những câu chuyện Quang kể, vì nó đều xảy ra thật. Có một lần nó nói sau này chắc chắn nó sẽ đi du học Pháp, vì nó mơ thấy mình đứng trên tháp Eiffel. Một thời gian sau, quả thực là nó được đứng chụp hình ở chân tháp Eiffel, tiếc là không phải ở bên Pháp mà là ở tháp Eiffel Quảng Châu. Dù sao đi nữa thì nó cũng xảy ra thực và nó cho thấy mọi thứ đã được an bài. Kể từ thời khắc mình tin vào số mệnh, mình đã đón nhận tất cả những kí ức vui buồn trong ngôi trường Dân đại như một món quà mà thượng đế đã ban tặng. Mình yêu ngôi trường này như thể nó là nơi mình được sinh ra lần thứ hai.

Năm 2017, trường mình đã hoàn thành việc xây dựng ký túc xá mới cho lưu học sinh. Phòng kí túc xá rất đẹp, giống như phòng của 1 khách sạn vậy. Từ tầng 14 của kí túc xá lưu học sinh, bạn sẽ có cơ hội được ngắm trọn vẹn rừng thông bên dưới, ngắm hồ Tương Tư xanh biếc, ngắm sông Khả Lợi với công viên xanh ngay phía ngoài cổng trường, ngoài ra cứ mỗi buổi chiều tối bạn cũng có thể bắt gặp hình bóng của 1 con chim ưng đang bay lượn trên bầu trời để săn mồi. Trong trường có những con đường trồng rất nhiều xoài. Hình như chẳng có ai sở hữu chúng và ai cũng có thể hái quả ăn khi tới mùa.

Một góc Đại học Dân tộc Quảng Tây nhìn từ ký túc xá lưu học sinh
Một góc Đại học Dân tộc Quảng Tây nhìn từ ký túc xá lưu học sinh

Từ ký túc xá lưu học sinh đi qua cây cầu cũ, ngay phía bên kia cầu từng là một trạm y tế. Nó là một tòa nhà lớn khá rêu phong, ban đêm hay có ánh đèn đỏ chớp nháy tạo cảm giác rất u ám. Lúc mình học lên thạc sĩ thì tòa nhà đó đã bị phá dỡ và thay thế bằng một điểm dừng chân công cộng. Những bạn sinh viên học nhạc cụ thường hay tới đó để luyện tập.

Đi tiếp nữa là đến tòa nhà của học viện Chính trị và Quản lý công cộng, nơi mình học ở đó. Con đường dẫn tới học viện Chính Quản băng qua một rừng thông, nói là rừng thôi chứ cũng không rộng lắm đâu, hai bên đường là hai hàng sấu rất đẹp. Người Trung Quốc không biết quả sấu có thể ăn được, cho nên cứ đến mùa sấu là những quả sấu chín vàng lại rụng đầy đường. Thỉnh thoảng có một số bạn Việt Nam vẫn hay ra đó ném dép để lấy quả về ngâm đường.

học viện Chính trị và Quản lý công cộng, đại học Dân tộc Quảng Tây
Ảnh mình chụp ở học viện Chính trị và Quản lý công cộng – Đại học Dân tộc Quảng Tây

Phía cổng sau của trường là một cái ngách rất nhỏ, đi qua ngách đó là tới một khu chợ bán đồ ăn rất sầm uất. Sinh viên trong trường có thể lựa chọn ăn uống ở căng tin dưới kí túc xá, hoặc đi bộ ra cổng sau trường để mua đồ ăn.

Trường mình rộng như một thị trấn và lượng sinh viên trong trường rất đông, ước tính có khoảng 20 ngàn người. Mỗi lúc tan học, sinh viên đổ ra từ các tòa nhà đi lại chật kín các con đường. Cuộc sống sinh viên ở đây khá là bình yên, ngoài giờ học các bạn có thể đi dạo quanh trường, đi chơi thể thao hoặc ra ngoài trường để mua sắm. Có hẳn một trạm tàu điện ngầm mang tên đại học Dân tộc Quảng Tây, nếu muốn đi đâu trong thành phố bạn cần đi một đoạn đường khoảng 2 km từ ký túc xá ra tới cổng trường để lên tàu điện.

Ga tàu điện ngầm Đại học Dân tộc Quảng Tây
Ga tàu điện ngầm Đại học Dân tộc Quảng Tây

Mình thích đi dạo ở quanh bờ hồ Tương Tư vào lúc hoàng hôn vì khu vực này có ít người đi lại, tính mình hướng nội nên cũng chẳng thích đi cùng ai. Thỉnh thoảng mình cũng thích đi dạo ven hồ vào buổi tối, nó là 1 con đường tối mịt, nó khiến mình nổi da gà, nhất là tới đoạn đi qua cây cầu Bạch Thạch. Nếu nhìn cây cầu này vào buổi tối thì chắc hẳn ai cũng phải rợn tóc gáy vì sợ ma, đi qua nó tưởng chừng như bạn đang bước đi qua cây cầu Nại Hà ở cõi dưới vậy.

Cầu Bạch Thạch, Đại học Dân tộc Quảng Tây
Cầu Bạch Thạch

Nhắc tới ma, có tin đồn là nhiều tòa nhà trong trường được xây dựng trên nghĩa địa. Có nhiều lưu học sinh từng mơ những giấc mơ trùng lặp. Và đặc biệt là ở tầng 8 ký túc xá lưu học sinh đã từng có một thời gian không ai dám ở vì cho rằng ở đó có ma. Bản thân mình thì chẳng sợ ma, chỉ thích dọa cho người khác sợ thôi. Đầu óc mình khá là khôi hài, tuy nhiên mình bị một điểm yếu là trình bày quá nghiêm túc cho nên mỗi lần kể chuyện cười cho lũ bạn là mình toàn tự cười một mình. Lũ bạn hay nói mình chỉ thích hợp kể chuyện ma, quả thực là có lần mình kể chuyện ma mà có đứa sợ quá chui trong chăn trùm kín mít luôn.

Hồi đại học, có mấy đứa từng kể là đang đi đêm qua cây cầu cũ thì bị ma dọa chạy mất cả dép rồi sáng hôm sau ngủ dậy lại thấy đôi dép được đặt ở đúng trước cửa phòng. Mình thấy đó là câu chuyện nực cười nhất mình từng nghe vì mình chẳng tin có con ma nào lại rảnh đến mức đi trả lại dép cho khổ chủ. Nhớ hồi năm đầu tiên khi đến trường, vì hay thức đêm cày game nên thỉnh thoảng mình vẫn hay đi ăn vào lúc 4 giờ sáng. Thời ấy luật còn chưa nghiêm nên những quán đồ ăn vỉa hè mở xuyên đêm ở bên ngoài trường. Và con đường mình hay đi, tất nhiên là phải đi qua cây cầu cũ.

cây cầu cũ Đại học Dân tộc Quảng Tây
Cây cầu cũ

Có một hôm Quang kể là đêm hôm trước nó đi ngang qua cây cầu thì gặp bóng một cô gái váy trắng tóc dài từ xa bay tới. Trong đầu nó lập tức nghĩ, bóng trắng tóc dài mà lại biết bay thế này thì đâu phải người dương gian. Thế là nó hoảng hốt hét lên, rồi bỗng nhiên cô gái kia cũng hét lên thật to. Nó nhìn kĩ lại thì ra chỉ là một cô sinh viên Trung Quốc đang đạp xe thôi mà. Đúng là chỉ toàn là tự mình dọa mình. Nói chung những câu chuyện mà Quang kể có tính giải trí rất cao, luôn luôn có một phần vô lý và một phần hợp lý.

Hôm ông ngoại mất, bố mình không cho mình về nước. Tối hôm ấy mình rất buồn, mình bước ra khỏi cửa phòng vừa đi vừa khóc, chân cứ bước đi chậm rãi và hướng về phía cây cầu. Rồi bỗng mình nghe tiếng bước chân của ai đó ngay phía sau lưng, trong đầu thầm nghĩ chắc là ông bạn cùng phòng đi theo để an ủi. Rồi bước chân mỗi lúc một dồn dập, cự ly mỗi lúc một gần, mình hết kiên nhẫn muốn quay đầu lại để nói với thằng bạn là hãy về đi và để tôi một mình. Nhưng khi mình quay lại thì chẳng có một ai ở phía sau cả. Bốn xung quanh chỉ là cây cối rậm rạp và những khoảng tối mịt mờ, phía bên kia cây cầu, ánh đèn chớp đỏ của cái trạm xá cũ vẫn đang nhấp nháy. Lúc này mình bắt đầu thực sự cảm thấy sợ rồi nên chuồn luôn về phòng kí túc để nghỉ ngơi.

Lại một hôm khác, Phương – cô bé ở phòng bên cạnh hốt hoảng chạy sang gõ cửa bảo anh ơi em mơ thấy ma, em sợ lắm. Mình nghe thấy thế mới nói đùa một câu “lần sau em mà mơ thấy nó thì nhớ bảo nó sang phòng anh chơi”. Thế rồi đúng đêm hôm đó mình mơ thấy một con quỷ từ phòng Phương bay xuyên qua tường tới ôm choàng lấy cả người mình. Mình giật mình tỉnh giấc và mất ngủ tới tận sáng. Kể từ đấy mình cũng bắt đầu tin mấy chuyện tâm linh này và không dám phát ngôn bừa bãi nữa.

Ngoài chuyện mấy con ma ra thì trường mình đúng là một ngôi trường đáng sống. Đến đây học tập mà mình cảm giác nó như là một nơi để hưởng thụ cuộc sống chứ không đơn giản là việc đi học nữa. Mỗi dịp lễ cũng có nhiều sự kiện cho mọi người tham gia. Những ngày lễ lớn thì sinh viên thường hay ra con đường phía ngoài cổng trường nơi có công viên xanh và sông Khả Lợi để đốt pháo bông hoặc thắp đèn trời.

Có một lần Quang và cô bạn gái cùng nhau ra công viên để thắp đèn Khổng Minh. Có lẽ là do lần đầu làm chuyện ấy cho nên cái đèn của họ bay chưa được xa đã mắc ngay vào một cái cây cao. Rồi hai đứa sợ quá chạy mất hút. Sáng hôm sau thăm lại hiện trường thì cả cái cây to đã bị cháy rụi. Kể từ đó ban quản lý công viên đã cấm tất cả mọi người dân đốt pháo bông và đèn trời ở khu vực này.

Được làm sinh viên của Dân đại là thứ khiến mình cảm thấy hạnh phúc nhất. Chính tại ngôi trường này, trải qua biết bao kỉ niệm vui buồn, trong con người mình đã hình thành một nhân cách thứ hai. Nhân cách thứ nhất là Tiến, nhân cách thứ 2 chính là Quảng Đạt. Nhân cách thứ hai của mình có tính cách thích hành hiệp trượng nghĩa, đôi lúc lại thích bắt nạt kẻ yếu, thường hay cà khịa, có tính đào hoa và thích trêu đùa các cô gái. Nhân cách thứ 2 được hình thành để bảo vệ sự an toàn cho nhân cách thứ nhất và cũng chính là để giúp nhân cách thứ nhất của mình đạt được những hoài bão to lớn. Đó chính là ý nghĩa của cái tên Nguyễn Quảng Đạt. Bạn chỉ có thể biết được nhân cách thứ nhất nếu gặp mình ở ngoài đời.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi câu chuyện dài lê thê này của mình. Chúc các bạn có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và thuận lợi trên con đường học hành cũng như con đường du học của bản thân. Xin chào và hẹn gặp lại.

10 Comments
  • Không tôn trọng người đọc, đang hay thì đứt dây đàn.

    Tổng kết: lứa 2009 trở về trước đi du học TQ như 1 cái nợ

  • đọc từ cái đoạn anh Đạt hòa nhập vào hội học sinh Trung Quốc mà giải trí quá, thế là biết anh Đạt sinh năm bao nhiêu rồi nhá.

  • hôm nay là lần thứ 3 em đọc lại các bài viết trong blog của anh Đ rồi :))) nhưng lần này thực sự cảm xúc khi đọc rất khác so với hai lần trước vì đó là khi em chưa từng nói chuyện với anh Đ. Lần này đọc bài viết này, có những lúc em cười khúc khích vì cách anh kể chuyện rồi tự tưởng tượng anh Đ lúc đó, rồi như chìm vào những câu chuyện của anh kể vậy, và em hiểu rõ hơn rằng khoảng thời gian ở Trung Quốc đã một phần to lớn tạo lên anh của hiện tại. Em thực sự cảm thấy may mắn vì được biết và quen anh Đ, cảm ơn anh về những câu chuyện thật ý nghĩa và thú vị như thế này. Hẹn gặp anh Đ vào một ngày tháng 9 gần nhất.

  • Qua giọng văn và cách kể chuyện của anh em cũng hình dung ra phần nào về cuộc sống du học Trung Quốc những năm về trước. Rất thú vị, cũng có những khoảng thời gian trầm bổng khác nhau, nhân duyên đưa ta đến những câu chuyện mà ta chẳng thể ngờ đến. Cảm ơn anh vì những chia sẻ

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *