Các loại hình đại học và học viện

    0
    105
    Các loại hình đại học và học viện

    Định nghĩa về đại học và học viện thường không được rõ ràng. Vì vậy mà nhiều người thường cho rằng những ngôi trường mang tên học viện thường có địa vị hay chất lượng thấp kém hơn trường đại học. Ở bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem đại học và học viện khác nhau ở điểm nào nhé.

    Lưu ý bài viết nói về các loại hình đại học và học viện ở Trung Quốc.

    Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về phân loại các trường đại học dựa theo ngành học ở Trung Quốc đã nhé!

    Phân loại các trường đại học dựa theo ngành học

    Hiện nay các trường đại học được phân loại dựa theo ngành học tại Trung Quốc được chia làm 13 loại hình bao gồm: tổng hợp, ngành khoa học xã hội, ngành khoa học tự nhiên, ngành xã hội và tự nhiên, ngành triết học, ngành kĩ thuật, ngành nông nghiệp học, ngành y học, ngành pháp luật học, ngành quản lý học, ngành văn học, ngành thể dục và ngành nghệ thuật.

    Các trường đại học tổng hợp thường đào tạo rất nhiều ngành học khác nhau thậm chí có hầu hết tất cả các ngành học. Một số trường đại học tổng hợp tiêu biểu là Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Kinh, Đại học Nam Khai, Đại học Vũ Hán, Đại học Quảng Tây, Đại học Dân tộc Quảng Tây…

    Các trường đại học khoa học tự nhiên chú trọng và có thế mạnh về ngành khoa học tự nhiên, tiêu biểu là Đại học Thanh Hoa, Đại học Thiên Tân, Đại học Chiết Giang, Đại học Đồng Tế, Đại học Trung Nam…

    Mỗi ngành học lại bao gồm rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Ví dụ ngành quản lí có các chuyên ngành như quản lý du lịch, quản lý kinh tế, quản lí hành chính; ngành pháp luật học có các chuyên ngành như luật thương mại, luật hình sự… Đối với các chuyên ngành kinh tế, có chuyên ngành thuộc ngành khoa học xã hội nhưng cũng có những chuyên ngành thuộc ngành khoa học tự nhiên. Đôi khi người ta cũng phân loại các chuyên ngành kinh tế thành ngành riêng gọi là ngành kinh tế.

    Phân loại đại học và học viện

    Học viện phòng không không quân, Học viện Quân y, Học viện Ngoại giao, Học viện Ngoại ngữ, Học viện Hành chính, Học viện Nghệ thuật, Học viện Điện ảnh, học viện Mỹ thuật, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phục Đán, Đại học Nam Khai…

    Các bạn có để ý danh sách tên các trường học viện so với tên các trường đại học có gì khác nhau không? Điểm khác biệt lớn nhất là tên các học viện có nói rõ về ngành đào tạo của họ, còn tên của các trường đại học thì không.

    Việc phân loại các trường đại học và học viện thường dựa theo một số tiêu chí như sau:

    • Phân loại dựa theo nhóm ngành

    Trường có từ 1 ngành là ngành đào tạo chủ đạo trở lên thì được gọi là học viện. Học viện thường chuyên đào tạo về một ngành cụ thể và rất có thế mạnh về ngành đó. Ví dụ: Học viện Điện ảnh Bắc Kinh chuyên đào tạo về ngành nghệ thuật, cụ thể là điện ảnh; trường Học viện Điện ảnh Bắc Kinh có thể đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau như đạo diễn, quay phim, diễn viên, biên kịch… tuy nhiên chỉ đào tạo xoay quanh ngành điện ảnh. Học viện Điện ảnh Bắc Kinh là ngôi trường số 1 châu Á về ngành điện ảnh. Vì vậy quan niệm học viện thua kém đại học là một quan niệm sai lầm, học viện thường có thế mạnh và sự đào tạo chuyên sâu hơn về nhóm ngành nhất định so với trường đại học. Ví dụ ngành diễn xuất của Đại học Tứ Xuyên nếu đem so sánh với ngành diễn xuất của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh thì chẳng khác gì hạt cát so với đại dương.

    Trường có từ 3 ngành đào tạo chủ đạo trở lên thì gọi là đại học. Các trường đại học tổng hợp thường đào tạo rất nhiều ngành cho nên họ chia mỗi ngành thành một học viện. Các bạn có thể tưởng tượng 1 công ty khi mở rộng quy mô của mình thì họ phải chia các nhóm nhân viên ra thành nhiều phòng phụ trách các mảng khác nhau như phòng kinh doanh, phòng tài vụ, phòng truyền thông, phòng chăm sóc khách hàng… Ở các trường đại học họ cũng phải chia các ngành thành các học viện. Ví dụ như Đại học Dân tộc Quảng Tây có khoảng 20 học viện (tức có 20 ngành) bao gồm học viện thương mại (chuyên đào tạo các chuyên ngành kinh tế), học viện quản lý, học viện nghệ thuật, học viện chính trị và quản lý công cộng, học viện sĩ quan, học viện thể dục… Khi các bạn vào học tại trường thì tùy theo chuyên ngành bạn học mà bạn được đào tạo và quản lý bởi các học viện khác nhau. Ở Việt Nam, các đại học tổng hợp lớn có nhiều ngành thì họ không gọi là học viện giống như Trung Quốc mà họ gọi là “trường đại học”. Ví dụ: Đại học Quốc gia Hà Nội – trường Đại học Ngoại ngữ chúng ta cũng có thể hiểu giống như Đại học Dân tộc Quảng Tây – học viện Ngoại ngữ.

    Đối với các học viện có quy mô lớn, họ cũng sẽ chia thành các học viện nhỏ như trên và được gọi là học viện cấp 2.

    • Phân loại dựa theo quy mô:

    Đại học có số sinh viên tối thiểu từ 8000 người trở lên, số nghiên cứu sinh tại trường không thấp hơn 5% tổng số sinh viên. Ở Trung Quốc cũng có nhiều người có quan niệm rằng đại học tốt hơn học viện cho nên rất nhiều trường học viện tại Trung Quốc đều cố gắng đổi tên thành trường đại học. Nhiều trường học viện thành lập lâu năm, quy mô mở rộng cũng chẳng khác gì trường đại học và sớm muộn cũng sẽ được đổi tên thành đại học.

    Ngoài ra còn một số tiêu chí phân loại khác, mình chỉ tiện nhắc đến hai tiêu chí bên trên thôi. Nếu một ngày bạn bắt gặp một trường học viện có trên 8000 sinh viên và trên 3 ngành đào tạo nhưng vẫn chỉ gọi là học viện thì có nghĩa là nó chưa đáp ứng được những tiêu chí khác cho nên chưa được đổi tên thành đại học hoặc cũng có thể bản thân trường không muốn đổi tên.

    Hi vọng bài viết này giúp bạn phân biệt được sự khác nhau giữa đại học và học viện.

    Nguyễn Quảng Đạt.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here