Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) tên là Khâu, tự Trọng Ni, người nước Lỗ. Ông là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại vào cuối thời kỳ Xuân Thu tại Trung Quốc. Khổng Tử cũng là người sáng lập ra học phái Nho gia.
Sơ lược về Khổng Tử
Mục Lục
Tổ tiên lâu đời của Khổng Tử là quý tộc nước Tổng (một nước chư hầu của nhà Chu), là hậu duệ của vương thất nhà Ân. Lúc còn nhỏ, cha ông qua đời, kể từ đó gia cảnh của Khổng Tử ngày một suy. Mặc dù lúc còn nhỏ Khổng Tử rất nghèo nhưng ông đã lập chí học tập. Ông từng nói: “Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên – 三人行必有我师焉 – trong ba người cùng đi tất có người là thầy của ta”. Sớm mồ côi cha, năm 16 tuổi, mẹ ông cũng qua đời. Ông một mình sống cuộc sống thanh bạch, tu chí học tập.
Từ năm 19 đến năm 21 tuổi, ông đảm nhiệm một số chức quan nhỏ ở địa phương. Năm 22 tuổi ông bắt đầu thu nhận học trò. Sau này số lượng học trò của ông lên tới hơn 3000 người, trong đó có cả con em các gia đình nghèo. Việc nhận học trò nghèo đã làm thay đổi truyền thống chỉ con nhà quý tộc mới đủ tư cách học hành.
Ông từng làm nhiều chức quan lớn tại nước Lỗ, có công cải cách kỉ cương nước Lỗ, dạy cho dân chúng biết lễ nghĩa khiến cho nước Lỗ trở nên thịnh trị chỉ trong một thời gian ngắn. Sau vì vua Lỗ không tin dùng, Khổng Tử từ quan rồi đi chu du các nước.
Vị thầy của muôn đời
Những năm cuối đời, Khổng Tử trở về nước Lỗ tiếp tục về dạy học, viết và hiệu đính sách. Ông có công lớn trong việc hiệu đính các thư tịch thượng cổ, bảo tồn rất nhiều văn hiến thời cổ đại. Những tác phẩm như “”kinh thi”, “thượng thư, “châu dịch” v.v đều được thông qua tay ông biên soạn và hiệu đính.
Rất nhiều tư tưởng của ông cho tới ngày nay vẫn còn rất có giá trị. Ông đã làm phong phú thêm nội hàm của chữ “nhân – 仁”, ông cho rằng cần phải làm được “nhân”, tức là cần quan tâm và yêu thương người khác. Ông từng nói “kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân – 己所不欲勿施于人” cái gì mà bản thân không muốn thì cũng đừng làm cho người khác. Ông còn cho rằng “quân tử hòa nhi bất đồng – 君子和而不同” có nghĩa là người quân tử có thể trong giao tiếp qua lại với người khác giữ được mối quan hệ hòa hợp thiện hữu nhưng trong cách nhìn nhận đối với một vấn đề cụ thể không cần thiết phải đồng ý bừa bãi với đối phương.
Những lời dạy của Khổng Tử đã được các đệ tử thu tập lại trong một cuốn gọi là “luận ngữ”, tư tưởng của ông cũng được người đời sau tiếp thu và phát dương rộng rãi, trở thành một bộ phận chủ yếu của tư tưởng truyền thống Trung Hoa; đồng thời cũng được truyền bá tới các quốc gia lân cận, hình thành nên nền văn hóa Nho gia có phạm vi ảnh hưởng vô cùng lớn.
Khổng Tử không chỉ là một danh nhân văn hóa của Trung Quốc, ông còn là một danh nhân văn hóa vĩ đại của thế giới.