spot_img

Dịch Viêm Phổi Vũ Hán COVID-19 Có Lẽ Sẽ Còn Kéo Dài

Chuyến tàu ngày 15 tháng 1 năm 2020 xuất phát từ thành phố Nam Ninh tới Hà Nội là một chuyến tàu đối với tôi có một chút đặc biệt mà khi ấy tôi không hề nhận ra.

Phòng của tôi với 4 giường nằm chỉ có 3 vị khách đó là tôi cùng với một du học sinh Việt Nam vừa trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, người còn lại là một người Trung Quốc tới từ Hồ Nam.Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá vui vẻ. Tôi đang học thạc sĩ tại Nam Ninh, còn ông anh vừa trở về từ Vũ Hán kia đang học năm cuối tiến sĩ.

Tôi có nói với anh là đã gần giáp tết âm lịch rồi, tôi có lẽ là người trở về Việt Nam muộn nhất ở cái thành phố Nam Ninh này. Ông anh Vũ Hán mà tôi đã quên tên cũng cho tôi biết rằng anh ấy còn chưa được nghỉ tết nhưng vì nhớ vợ con nên đã trốn về trước. Khi đó, anh ta nói với tôi rằng ở Vũ Hán đang có bệnh dịch. Tôi thì không quan tâm lắm tới bệnh dịch vì năm nào điều ấy chẳng xảy ra cơ chứ. Có lẽ điều mà cả hai chúng tôi không ngờ nhất đó chính là chỉ vài ngày sau đó toàn thế giới phải hoảng sợ trước dịch viêm phổi lạ ở Vũ Hán.

Bắt đầu từ thời điểm Trung Quốc tuyên bố phong toả Vũ Hán, tôi đã chợt nhận ra sự việc thực sự vô cùng nghiêm trọng. Một thành phố phồn hoa bậc nhất Đại Lục với 11 triệu dân này lần đầu tiên trong lịch sự bị đóng cửa vì đại dịch.

Dịch viêm phổi lạ ở Vũ Hán do virus nCoV hay còn có tên là COVID-19 (chủng mới của virus Corona) gây ra. Sự nguy hiểm của nó nằm ở chỗ nó lây lan quá nhanh khiến cho công chúng hoảng loạn, gây quá tải hệ thống y tế công cộng. Việc quá tải hệ thống y tế trong lúc có bệnh dịch thực sự là một tai hoạ tồi tệ. Người bệnh nặng khó có cơ hội được điều trị tại bệnh viện mặc dù tính mạng của họ đang bị đe doạ. Họ sẽ lây bệnh cho người nhà vì không được cách ly trong môi trường tiêu chuẩn. Người ta sẽ chết không phải vì bệnh không có thuốc chữa mà chết vì không được bác sĩ nào cứu giúp.

Đã 30 ngày kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa, hơn 60 ngàn người đã nhiễm virus và gần 1500 người chết trên toàn Trung Quốc. Thành phố Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung chiếm đa số trong con số nói trên. Con số này có thể chưa phải là sự thật bởi chính quyền Trung Quốc rất có khả năng muốn che giấu thông tin về con số thật. Tuy nhiên với con số đã được công bố kể trên, nó cũng thực sự rất khủng khiếp bởi tốc độ lây lan chóng mặt. Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng xây dựng những bệnh viện dã chiến 1000-1500 giường bệnh với tốc độ xây dựng khủng khiếp chỉ trong vòng 1 tuần. Thế nhưng những cố gắng đó cũng chẳng đáng là bao khi số người được xác nhận nhiễm bệnh hàng ngày luôn từ 2000 cho tới 3000 người. Xây bệnh viện chỉ là một phần, đi kèm theo nó là các thiết bị y tế và đội ngũ y bác sĩ và hộ sĩ đang rất thiếu thốn. Chính quyền Trung Quốc cần phải xây bệnh viện hàng ngày mới có thể chữa trị được cho tất cả số người bệnh. Hiện các kí túc xá của trường đại học cũng như một số tòa nhà công cộng khác cũng đã được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

Là một nghiên cứu sinh đang du học tại Trung Quốc, hiện tại tôi không thể quay trở lại trường đại học như dự định. Tất cả các trường học tại Trung Quốc đã kéo dài kì nghỉ đông tới cuối tháng 2. Kỳ nghỉ này rất có thể sẽ kéo dài vô thời hạn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi.

Quảng Tây cho tới thời điểm hiện tại dù chỉ có hơn 200 ca nhiễm và 2 người chết, đó là một con số vô cùng khiêm tốn so với Hồ Bắc, nhưng toàn tỉnh đã được đặt trong trạng thái căng thẳng đối phó dịch bệnh. Thành phố Nam Ninh, nơi phồn hoa bậc nhất gần như đã trở thành thành phố ma. Những con phố náo nhiệt hàng ngày giờ đã vắng bóng người. Người dân được khuyên nhưng cũng đồng thời là bắt buộc bị ở yên trong nhà. Một gia đình một ngày chỉ được phép có 1 thành viên được ra ngoài và khi ra ngoài cần phải xin phép tới đơn vị phụ trách. Có lẽ mỗi tòa nhà đều có một tổ công tác phụ trách theo dõi và quản lý hoạt động của cư dân. Việc mua đồ ăn thức uống đã có đơn vị vận chuyển phụ trách. Lai Tân, một thành phố khác thậm chí đã bị cách lý mặc dù mới chỉ có hơn chục ca nhiễm bệnh.

Chúng tôi, những du học sinh hiện đã an toàn trở về Việt Nam hàng ngày vẫn phải báo cáo tình hình sức khỏe cho trường đại học. Các thầy cô phụ trách hàng ngày đều nhắc nhở chúng tôi thông báo mà chúng tôi đã phát chán “các học sinh chú ý không ai được tự ý quay trở lại trường học trước ngày 1 tháng 3”. Chưa bao giờ tôi muốn quay trở lại Nam Ninh như lúc này. Một người đã sinh sống và học tập hơn 10 năm tại thành phố này chẳng có lý do gì mà không nảy sinh tình cảm với nó cả.

Kỳ nghỉ đông này có lẽ là kỳ nghỉ dài nhất lịch sử đối với những du học sinh du học Trung Quốc. Bệnh dịch có lẽ cũng chưa lên tới đỉnh và nó có thể còn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Chẳng có trận đại dịch nào chỉ đến một vài tháng rồi đi cả. Trung Quốc và toàn thể nhân loại còn phải chiến đấu với dịch bệnh lâu dài. Dù biết vậy, tôi vẫn hi vọng và cầu nguyện rằng đại dịch sớm qua đi, mong người dân Vũ Hán được khỏe mạnh và vui cười trở lại.

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Bài viết mới nhất