Đắc nhân tâm giả đắc thiên hạ
01/03/2021
Đắc nhân tâm tức là có được lòng người. Sách Mạnh Tử viết: “đắc nhân tâm giả đắc thiên hạ”. Câu này có nghĩa là người có được lòng người sẽ có được thiên hạ. Trong tất cả các yếu tố dẫn đến một sự thành công lớn lao và bền vững, lòng người là yếu tố quan trọng nhất. Không được lòng người khó làm nên đại nghiệp, dù làm nên đại nghiệp khó giữ vững được đại nghiệp.
“得人心者得天下”。
《孟子·离娄上》
Đắc nhân tâm giả đắc thiên hạ
Mục Lục
Tôn Tẫn binh pháp viết:
- 《孙膑兵法·月战》:“天时、地利、人和,三者不得,虽胜有殃。”
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tam giả bất đắc, tuy thắng hữu ương.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa chỉ 3 điều kiện quan trọng trong tác chiến đó là thời tiết, lợi thế địa hình và lòng người đoàn kết. Nếu không có được 3 điều kiện trên thì dẫu có đánh thắng trận, kẻ thắng cuộc cũng có thể gặp tai họa. Ví như Hạng Vũ là một vị tướng tài nước Sở, ông là người biết dùng binh pháp, bản thân lại có sức mạnh vô song, người đương thời không ai địch nổi. Vũ cầm quân đánh thắng được quân Tần trong trận Cự Lộc, tướng tần là Chương Hàm cùng 20 vạn tướng sĩ ra quy hàng Hạng Vũ. Vũ ban đầu tiếp nhận binh sĩ nước Tần nhưng sau lại lệnh chôn sống 20 vạn Tần binh. Kể từ đó mà lòng người khiếp sợ, nhân dân nước Tần coi ông như phường giặc cướp, còn người tài dưới trướng thì lần lượt trốn chạy để đầu quân cho đối thủ của ông là Lưu Bang.
Sách Mạnh Tử viết: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”. Người chủ tướng lúc bày binh bố trận cần phải chú ý đến 3 yếu tố quan trọng đó là thời tiết phù hợp, lợi thế về địa hình và lòng người hòa hợp đoàn kết. Trong 3 yếu tố trên, nhân hòa lại là yếu tố được coi trọng nhất. Trong một trận đánh, dù chiếm ưu thế về thời tiết hay địa hình, nếu lòng binh sĩ bất hòa chắc chắn sẽ hao tổn sĩ khí chiến đấu. Nếu không đảm bảo được yếu tố nhân hòa, binh sĩ ra trận chưa đánh đã thua. Trận Sekigahara (關ヶ原の戰ひ) – một trận đánh nổi tiếng có quy mô lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản là một ví dụ. Trận chiến giữa này diễn ra vào ngày 21 tháng 10 năm 1600 giữa hai gia tộc hùng mạnh nhất Nhật Bản lúc bấy giờ là gia tộc Toyotomi cùng đồng minh (Tây quân) và gia tộc Tokugawa cùng đồng minh (Đông quân). Lợi thế về chiến thuật nghiêng rất nhiều về phía nhà Toyotomi, nhưng Togukawa leyasu đã ngầm liên hệ với các đại danh (daimyo) bên phía Tây quân với lời hứa ban cho họ nhiều đặc quyền nếu chuyển phe. Những lời hứa này đã khiến cho các daimyo lưỡng lự. Khi trận đánh diễn ra, rất nhiều daimyo đã án binh bất động không tham chiến. Một số daimyo bên phía Tây quân đã làm phản và tấn công lại chính Tây quân khiến cho cục diện ngay lập tức thay đổi với lợi thế nghiêng về Đông quân. Kết quả là Đông quân đại thắng, Togukawa leyasu thống nhất được cả thiên hạ mở đầu thời kỳ mạc phủ Togukawa kéo dài 250 năm.
Nhân giả vô địch – 仁者无敌
Người xưa có câu “Nhân giả vô địch – 仁者无敌”. Giữa nhân giả – người có lòng nhân, trí giả – người có trí tuệ, cường giả – người có sức mạnh, tại sao nhân giả lại được cho là vô địch? Đó là bởi vì nhân giả đắc nhân tâm.
Hạng Vũ chính là người đại diện cho cường giả. Vũ là người hiểu binh pháp, lại là mãnh tướng có sức mạnh nhất nhân địch vạn nhân. Vị này có hai trận chiến để đời đó là trận Cự Lộc và trận Bành Thành. Với quân số luôn luôn ít hơn quân đối phương gấp nhiều lần, Hạng Vũ làm nên những trận chiến thắng oai hùng khiến chư hầu trong thiên hạ phải khiếp sợ. Trận Cự Lộc, Vũ sai lính mang theo lương thực chỉ đủ ăn trong 3 ngày rồi vượt sông, khi qua sông liền đánh đắm thuyền. Khi qua sông bèn sai đục thuyền rồi đóng quân bên bờ sông. Trong binh pháp, việc đóng quân quay lưng về phía sông là điều tối kị, khi bị địch tập kích sẽ không có đường lui. Chương Hàm cầm trong tay 40 vạn đại quân, thấy Hạng Vũ đóng quân lưng dựa sông bèn chê cười cho Vũ là bất trí.
Lúc bấy giờ Hàn Tín đang là tên lính quèn vác kích trong doanh trại Hạng Vũ lại nhìn ra được dụng ý của Vũ. Tín cho rằng cho quân mang theo lương thực ba ngày, qua sông lại đục thuyền để cho quân lính thấy quyết tâm không thắng không về của chủ tướng. Hơn nữa lại đóng binh dựa sông là để tự tuyệt đường lui, khi quân địch đánh đến quân lính tự biết nếu không đánh chắc chắn sẽ không còn đường sống. Nhờ thế mà nhuệ khí của quân đội Hạng Vũ mạnh hơn quân Tần rất nhiều lần. Phía Chương Hàm sau nhiều trận thua liên tiếp đã phải đầu hàng.
Trận thắng lừng lẫy tiếp theo của Hạng Vũ chính là trận Bành Thành. Lúc bấy giờ, Hán vương Lưu Bang nhân cơ hội Hạng Vũ đang đem binh đánh nước Tề bèn kể tội Hạng Vũ phản chủ giết Sở Nghĩa Đế tự xưng là Tây Sở Bá Vương rồi đem binh đánh thẳng vào Bành Thành, kinh đô của nước Sở. Lực lượng của phía Lưu Bang có 56 vạn quân, phất cờ chính nghĩa, thế như chẻ tre chẳng mấy chốc mà chiếm được Bành Thành. Hạng Vũ thấy vậy chỉ đem đúng 3 vạn quân trở về Bành Thành đánh phá quân Hán. Quân Hán đại bại thi nhau nhảy xuống sông mà trốn bị quân Sở chém giết xác chết chất đầy khiến tắc cả nước sông Tuy Thủy.
Kẻ có sức mạnh vô địch thiên hạ như Hạng Vũ cuối cùng phải chịu thất bại dưới tay trí giả là Hàn Tín. Hàn Tín vốn muốn đầu quân cho Hạng Vũ nhưng Vũ không trọng dụng, chỉ phong cho làm chấp kích lang, hàng ngày vác kích theo hầu Vũ. Hàn Tín sau bỏ Sở theo Hán. Nhờ chứng minh được tài năng của mình, lại thêm có Tiêu Hà tiến cử, Tín được Hán vương Lưu Bang phong làm đại tướng. Hàn Tín cầm quân trăm trận trăm thắng. Trong suốt cuộc đời của mình, Tín chưa từng thua một trận đánh nào và được người đời tôn làm binh tiên của Trung Hoa. Tín có nhiều trận đánh để đời nhưng trận đánh nổi tiếng nhất của ông chính là trận Cai Hạ (chính là trận Thập diện mai phục được nói đến trong các tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa).
Trong trận này, Hàn Tín tập hợp quân Hán với quy mô vô cùng lớn nhằm vây đánh Hạng Vũ. Vũ lúc bấy giờ thấy thế quân Hán quá đông bèn muốn rút về Bành Thành. Với sức mạnh của Hạng Vũ từng dùng ba vạn quân đánh tan tác 56 vạn quân Hán thì trong trận Cai Hạ, quân của Hàn Tín dẫu có đông nếu không dùng trí khó mà đánh lại quân Sở. Hàn Tín bèn đi thăm dò địa hình Cai Hạ, tính đường tháo chạy của Hạng Vũ mà bày binh mai phục. Hạng Vũ trên đường rút quân về Bành Thành bị quân Hán phục kích rồi rút chạy. Vũ tức giận đốc quân truy sát liền bị lọt vào trận địa mai phục khắp các mặt của quân Hán. Quân Sở đi đến đâu cũng bị phục kích không cách nào thoát được, cuối cùng bị lọt vào vòng vây 10 mặt của quân Hán. Hạng Vũ cuối cùng phải mở đường máu phá vòng vây, phi ngựa chạy tới bờ sông Ô Giang thì tự sát.
Hàn Tín dụng binh như thần, bất khả chiến bại nhưng vẫn phải cúi đầu trước nhân giả là Hán vương Lưu Bang. Lưu Bang chính là hoàng đế khai quốc của triều đại Hán. Ông vốn xuất thân là nông dân, vì tính tình hào sảng được nhiều người mến mộ mà sau được làm chức đình trưởng. Trước tình thế nhà Tần bạo ngược, nhân thế oán hận ngút trời, Lưu Bang chém rắn khởi nghĩa chiếm được huyện Bái. Ông nhờ có lòng nhân nghĩa mà nhân tài hào kiệt khắp nơi nguyện đến đầu quân. Sau ông đem quân đến phục tùng Sở Nghĩa Đế. Nghĩa Đế sai binh chia làm hai đường tiến đánh nước Tần. Một bên sai Tống Nghĩa cùng Hạng Vũ đến đánh tướng Tần là Chương Hàm đang bao vây Cự Lộc nước Triệu. Một bên cho Lưu Bang nhắm hướng tây đánh thẳng vào kinh đô nước Tần. Nghĩa Đế giao ước ai tiến vào Quan Trung trước sẽ được phong làm Quan Trung Vương.
Hạng Vũ giết chết cấp trên của mình là Tống Nghĩa để đoạt binh quyền rồi đánh cho Chương Hàm đại bại, sai chôn sống 20 vạn Tần binh. Việc Vũ tàn sát Tần binh khiến các địa phương nước Tần lo sợ kết cục chết thảm dưới tay Hạng Vũ. Lúc bấy giờ Lưu Bang đi đường hướng tây, phất cờ nhân nghĩa khiến các thành trì nhà Tần lần lượt mở cửa quy hàng, chẳng mấy chốc mà tiến được vào thành Hàm Dương – kinh đô nước Tần. Tuy vào Quan Trung trước, Lưu Bang vẫn khiếp sợ trước uy thế của Hạng Vũ mà không dám xưng Quan Trung Vương, phải mời Hạng Vũ tiến quân vào Hàm Dương tiếp quản. Hạng Vũ tiến vào chiếm đóng Quan Trung, tự xưng là Tây Sở Bá Vương, phong Lưu Bang làm Hán vương cai quản đất Ba Thục.
Lưu Bang làm vua đất Ba Thục, chiêu mộ nhân tài khắp thiên hạ. Nhờ có lòng nhân nghĩa, nhân tài hào kiệt khắp nơi đổ về dưới trướng trong đó có 3 trụ cột giúp ông dựng lên nhà Hán đó là Trương Lương, Tiêu Hà và Hàn Tín. Trương Lương có tài chính trị, giúp cho Lưu Bang rất nhiều kế sách tốt. Tiêu Hà có tài trị quốc, giúp Lưu Bang cai quản triều chính. Hàn Tín có tài dùng binh, giúp Lưu Bang đánh đông dẹp bắc chinh phục thiên hạ. Nhờ có trong tay bộ ba này cùng với vô số các nhân tài khác, Lưu Bang thống nhất được thiên hạ, lập nên vương triều Hán cai trị tới 400 năm.
Lưu Bang chính là tấm gương điển hình cho câu nói: “đắc nhân tâm giả đắc thiên hạ”. Người nào có được lòng người, người đó có được cả thiên hạ.
Xem thêm các bài viết về Văn hóa Trung Quốc.
0 Comments