spot_img
Home Blog Page 3

Tại Sao “Thêm Dầu” Lại Có Nghĩa Là Cố Lên?

Để cổ vũ người khác, người Việt Nam chúng ta thường dùng từ “cố lên”. “Cố lên” có nghĩa là cố gắng tiếp tục, cố gắng đi về phía trước… Còn ở Trung Quốc thì người ta dùng từ ” 加油 – jiā yóu “. Jia You có nghĩa gốc (nghĩa đen) là thêm dầu (add oil) và nghĩa chuyển (nghĩa bóng) là “cố lên”.

Từ jia you là từ mà đa số người nước ngoài quan tâm tới văn hóa Trung Quốc đều biết cho dù chưa từng đặt chân tới Trung Quốc. Mỗi lần muốn cổ vũ một người bạn Trung Quốc nào đó, chúng ta đều hô to “jia you”. Thế nhưng gần như chẳng mấy ai có thắc mắc tại sao người Trung Quốc lại dùng từ “thêm dầu” để cổ vũ người khác. Thực ra, mọi thứ đều có nguồn gốc của nó.

Tại sao “thêm dầu” | “Jia you ” lại có nghĩa là “cố lên”?

Vào những năm Đạo Quang triều Thanh, có một vị cử nhân là Trương Anh làm quan lớn. Trong cả cuộc đời mình, ông rất coi trọng sự nghiệp giáo dục bồi dưỡng nhân tài. Lúc còn làm quan, vào lúc giao canh mỗi đêm, ông đều phái hai thủ hạ của mình mang theo thùng dầu đi tuần khắp trong thành. Hễ bắt gặp nhà nào vẫn còn có học trò để đèn khuya đọc sách bèn tới giúp anh ta thêm dầu để thắp sáng. Đồng thời họ cũng khích lệ người đó chăm chỉ học hành. Đó chính là lý do tại sao “thêm dầu” còn có nghĩa là “cố lên”.

Việc làm đại nghĩa của Trương Anh cứ như vậy trong suốt hàng chục năm ông làm quan. Là một vị quan thanh liêm có nghĩa lớn, lại là người coi trọng giáo dục, ông cũng giáo dục con trai của mình trở thành nhân tài trụ cột nước nhà. Người con thứ tư của ông là Trương Chi Đỗng là một trong tứ đại danh thần có công trung hưng triều đình vào cuối triều Thanh.

Có thể thấy điều gì qua câu chuyện?

Thắp một ngọn đèn soi đường chỉ lối cho người khác là việc đại nghĩa. Giữ ngọn đèn tiếp tục sáng trong căn nhà của những học trò nghèo, công đức vô lượng. Nó làm tôi nhớ tới một câu chuyện Phật giáo: “bà lão nghèo thắp đèn cúng Phật”.

Thuở Phật còn tại thế, Vua A Xà Thế muốn thắp sáng hết đoạn đường từ cung điện của nhà vua tới tịnh xá của Đức Phật. Có một bà lão nghèo đã dùng hai đồng tiền là cả tài sản của bà khi ấy mua dầu để thắp đèn cúng Phật. Bà phát một lời nguyện lớn lao rằng: “nếu tôi ngày sau có thể chứng đắc đạo quả như Phật, nguyện cho số dầu này sẽ cháy được suốt đêm, ánh sáng không bao giờ tắt mất.” Quả thực khi các ngọn đèn của nhà vua đều tắt, ngọn đèn dầu của bà lão vẫn sáng rọi.

Bao nhiêu thùng dầu cũng chỉ là khảy móng tay so với tài sản của nhà vua. Còn đối với bà lão, hai đồng tiền là tất cả những gì mình có. Tâm lượng của bà rõ ràng là lớn hơn nhà vua rất nhiều. Tâm lượng của Trương Anh cũng lớn lao chẳng kém. Giữ cho ngọn đèn dầu của học trò tiếp tục được thắp sáng thể hiện tâm nguyện thắp sáng tương lai nước nhà của Trương Anh. Bởi hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Cho tới ngày nay, trải qua mấy trăm năm, người ta không còn dùng cách của Trương Anh để cổ vũ khích lệ người khác. Nhưng hành động “thêm dầu” cho học trò nghèo của ông đã trở thành một từ ngữ cho cả một đại dân tộc sử dụng khi muốn khích lệ động viên.

Theo dõi blog của tôi để cùng khám phá Văn hóa Trung Quốc các bạn nhé!

Dịch Viêm Phổi Vũ Hán COVID-19 Có Lẽ Sẽ Còn Kéo Dài

Chuyến tàu ngày 15 tháng 1 năm 2020 xuất phát từ thành phố Nam Ninh tới Hà Nội là một chuyến tàu đối với tôi có một chút đặc biệt mà khi ấy tôi không hề nhận ra.

Phòng của tôi với 4 giường nằm chỉ có 3 vị khách đó là tôi cùng với một du học sinh Việt Nam vừa trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, người còn lại là một người Trung Quốc tới từ Hồ Nam.Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá vui vẻ. Tôi đang học thạc sĩ tại Nam Ninh, còn ông anh vừa trở về từ Vũ Hán kia đang học năm cuối tiến sĩ.

Tôi có nói với anh là đã gần giáp tết âm lịch rồi, tôi có lẽ là người trở về Việt Nam muộn nhất ở cái thành phố Nam Ninh này. Ông anh Vũ Hán mà tôi đã quên tên cũng cho tôi biết rằng anh ấy còn chưa được nghỉ tết nhưng vì nhớ vợ con nên đã trốn về trước. Khi đó, anh ta nói với tôi rằng ở Vũ Hán đang có bệnh dịch. Tôi thì không quan tâm lắm tới bệnh dịch vì năm nào điều ấy chẳng xảy ra cơ chứ. Có lẽ điều mà cả hai chúng tôi không ngờ nhất đó chính là chỉ vài ngày sau đó toàn thế giới phải hoảng sợ trước dịch viêm phổi lạ ở Vũ Hán.

Bắt đầu từ thời điểm Trung Quốc tuyên bố phong toả Vũ Hán, tôi đã chợt nhận ra sự việc thực sự vô cùng nghiêm trọng. Một thành phố phồn hoa bậc nhất Đại Lục với 11 triệu dân này lần đầu tiên trong lịch sự bị đóng cửa vì đại dịch.

Dịch viêm phổi lạ ở Vũ Hán do virus nCoV hay còn có tên là COVID-19 (chủng mới của virus Corona) gây ra. Sự nguy hiểm của nó nằm ở chỗ nó lây lan quá nhanh khiến cho công chúng hoảng loạn, gây quá tải hệ thống y tế công cộng. Việc quá tải hệ thống y tế trong lúc có bệnh dịch thực sự là một tai hoạ tồi tệ. Người bệnh nặng khó có cơ hội được điều trị tại bệnh viện mặc dù tính mạng của họ đang bị đe doạ. Họ sẽ lây bệnh cho người nhà vì không được cách ly trong môi trường tiêu chuẩn. Người ta sẽ chết không phải vì bệnh không có thuốc chữa mà chết vì không được bác sĩ nào cứu giúp.

Đã 30 ngày kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa, hơn 60 ngàn người đã nhiễm virus và gần 1500 người chết trên toàn Trung Quốc. Thành phố Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung chiếm đa số trong con số nói trên. Con số này có thể chưa phải là sự thật bởi chính quyền Trung Quốc rất có khả năng muốn che giấu thông tin về con số thật. Tuy nhiên với con số đã được công bố kể trên, nó cũng thực sự rất khủng khiếp bởi tốc độ lây lan chóng mặt. Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng xây dựng những bệnh viện dã chiến 1000-1500 giường bệnh với tốc độ xây dựng khủng khiếp chỉ trong vòng 1 tuần. Thế nhưng những cố gắng đó cũng chẳng đáng là bao khi số người được xác nhận nhiễm bệnh hàng ngày luôn từ 2000 cho tới 3000 người. Xây bệnh viện chỉ là một phần, đi kèm theo nó là các thiết bị y tế và đội ngũ y bác sĩ và hộ sĩ đang rất thiếu thốn. Chính quyền Trung Quốc cần phải xây bệnh viện hàng ngày mới có thể chữa trị được cho tất cả số người bệnh. Hiện các kí túc xá của trường đại học cũng như một số tòa nhà công cộng khác cũng đã được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

Là một nghiên cứu sinh đang du học tại Trung Quốc, hiện tại tôi không thể quay trở lại trường đại học như dự định. Tất cả các trường học tại Trung Quốc đã kéo dài kì nghỉ đông tới cuối tháng 2. Kỳ nghỉ này rất có thể sẽ kéo dài vô thời hạn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi.

Quảng Tây cho tới thời điểm hiện tại dù chỉ có hơn 200 ca nhiễm và 2 người chết, đó là một con số vô cùng khiêm tốn so với Hồ Bắc, nhưng toàn tỉnh đã được đặt trong trạng thái căng thẳng đối phó dịch bệnh. Thành phố Nam Ninh, nơi phồn hoa bậc nhất gần như đã trở thành thành phố ma. Những con phố náo nhiệt hàng ngày giờ đã vắng bóng người. Người dân được khuyên nhưng cũng đồng thời là bắt buộc bị ở yên trong nhà. Một gia đình một ngày chỉ được phép có 1 thành viên được ra ngoài và khi ra ngoài cần phải xin phép tới đơn vị phụ trách. Có lẽ mỗi tòa nhà đều có một tổ công tác phụ trách theo dõi và quản lý hoạt động của cư dân. Việc mua đồ ăn thức uống đã có đơn vị vận chuyển phụ trách. Lai Tân, một thành phố khác thậm chí đã bị cách lý mặc dù mới chỉ có hơn chục ca nhiễm bệnh.

Chúng tôi, những du học sinh hiện đã an toàn trở về Việt Nam hàng ngày vẫn phải báo cáo tình hình sức khỏe cho trường đại học. Các thầy cô phụ trách hàng ngày đều nhắc nhở chúng tôi thông báo mà chúng tôi đã phát chán “các học sinh chú ý không ai được tự ý quay trở lại trường học trước ngày 1 tháng 3”. Chưa bao giờ tôi muốn quay trở lại Nam Ninh như lúc này. Một người đã sinh sống và học tập hơn 10 năm tại thành phố này chẳng có lý do gì mà không nảy sinh tình cảm với nó cả.

Kỳ nghỉ đông này có lẽ là kỳ nghỉ dài nhất lịch sử đối với những du học sinh du học Trung Quốc. Bệnh dịch có lẽ cũng chưa lên tới đỉnh và nó có thể còn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Chẳng có trận đại dịch nào chỉ đến một vài tháng rồi đi cả. Trung Quốc và toàn thể nhân loại còn phải chiến đấu với dịch bệnh lâu dài. Dù biết vậy, tôi vẫn hi vọng và cầu nguyện rằng đại dịch sớm qua đi, mong người dân Vũ Hán được khỏe mạnh và vui cười trở lại.

Cúng Ông Công Ông Táo Ở Trung Quốc

“Hạ giới bảo bình an – thượng thiên ngôn hảo sự”, dưới nhân gian bảo vệ bình an – lên thiên cung báo chuyện tốt lành. Đó chính là nhiệm vụ mà một Táo quân cần làm.

Hãy cùng mình tìm hiểu văn hoá Trung Quốc qua phong tục cúng ông Công ông Táo của người dân nơi đây nhé!

Ngày ông Công ông Táo ở Trung Quốc là ngày nào?

Theo truyền thống Trung Hoa, ngày 23-24-25 tháng chạp hàng năm là ngày “tế táo” hay còn gọi là “tiểu niên”. Đây là ngày mà các gia đình Trung Hoa cúng Táo quân hay Táo thần, một vị thần bếp. Nếu bạn hỏi một người Trung Quốc, “tiểu niên” là ngày nào, chắc chắn bạn sẽ nhận được những câu trả lời không giống nhau. Có người nói là ngày 23, có người nói 24, cũng có người sẽ nói là ngày 25 tháng chạp mới đúng.

cách người Trung Quốc cúng Táo quân
Ảnh: internet

Người Trung Quốc thời xưa có câu, “quan tam, dân tứ, thuyền ngũ”; có nghĩa là quan thì đón tiểu niên ngày 23, dân đón ngày 24, còn dân sông nước – dân biển cúng Táo quân ngày 25. Theo truyền thống dân gian Trung Quốc thì người dân cúng Táo quân vào ngày 24. Vào giữa và cuối triều nhà Thanh, đế vương Thanh triều tổ chức đại lễ tế trời vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc, hoàng đế và các quan đại thần cúng Táo quân luôn vào ngày này. Vì thế mới có câu “quan tam, dân tứ”. Người dân ở các vùng phương bắc do gần triều đình nên cũng tế táo vào ngày 23, đa số người dân ở các vùng phương nam còn giữ được truyền thống cúng Táo quân vào ngày 24.

Truyền thuyết về Táo quân

Trong tiếng Trung, từ “táo” nghĩa là “bếp”, “quân” nghĩa là “vua”, “Táo quân” chính là vị “vua bếp”. Về lai lịch và truyền thuyết của vị thần này, có rất nhiều ghi chép khác nhau, mỗi vùng lại có một tích. Theo thuyết được lưu truyền rộng và phổ biến nhất, thì Táo quân là một chàng trai có họ Trương, được gọi là Trương Lang. Anh ta có nhà cửa ruộng vườn của cha mẹ và một cô vợ tên là Quách Đinh Hương. Sau khi lấy vợ, Trương Lang vì không thích làm ruộng nên đã bỏ đi buôn xa nhà. Vợ Trương Lang là Quách Đinh Hương ở nhà một mình gánh vác công việc nhà, chăm sóc cha mẹ chồng tới nơi tới chốn, cuộc sống vô cùng vất vả. Sau khi biệt tích khá lâu, Trương Lang trở về nhà đuổi Đinh Hương rồi lấy cô vợ mới là Lý Hải Đường. Đinh Hương bị đuổi thì bơ vơ ngoài đường, đi lang thang và gặp được một bà lão nhận nuôi, sống một cuộc sống mới tốt hơn. Về phần Trương Lang, ít lâu sau nhà anh gặp phải trận cháy lớn thiêu rụi nhà cửa tài sản, thiêu mù đôi mắt Trương Lang và lấy đi cả mạng sống của cô vợ mới. Trương Lang đi xin ăn ngoài đường, một hôm lưu lạc tới nhà người vợ cũ mà anh đã từng đuổi đi. Đinh Hương đem thức ăn ngon ra mời chồng cũ, còn cho anh cả tiền bạc. Sau Trương Lang biết được người phụ nữ đối xử tốt với mình chính là người vợ cũ bèn sinh lòng hối hận. Anh ta đâm đầu vào bếp lửa và chết cháy. Sau khi chết, anh ta được Ngọc Hoàng phong làm Táo vương.

Tên gọi đầy đủ và chính thức của Táo quân là Đông trù tư mệnh cửu linh nguyên vương định phúc thần quân. Tên gọi dân gian của vị thần bếp này là Táo quân, Táo vương, Táo vương gia, Tư mệnh chân quân, Hộ trạch thiên tôn, Cửu thiên đông trù yên chủ.

Người Trung Quốc cúng ông Công ông Táo như thế nào?

Người Trung Quốc cúng ông Công ông Táo như thế nào?
Ảnh: internet

Vào ngày ông Công ông Táo, người Trung Quốc quét dọn nhà cửa, lau sạch bụi bặm các vật dụng trong gia đình và cúng Táo. Lúc cúng Táo, cần phải thiết lập thần chủ, bày biện tế phẩm vàng mã, tửu thực thịnh soạn. Trên bàn cúng không thể thiếu kẹo ngọt, đặc biệt là những loại kẹo vừa dẻo vừa ngọt. Cúng kẹo ngọt có ý nghĩa là người dân mong muốn Táo thần ăn kẹo dẻo kẹo ngọt thì khi lên thiên cung sẽ nói những lời mềm dẻo, lời ngọt ngào, nói lời hay ý đẹp. Ngoài ra còn phải vẽ ngựa để cho ông Táo cưỡi. Việc cúng Táo được thực hiện vào lúc đêm để sáng sớm ông Táo lên đường chầu trời.

Người Trung Quốc cúng ông Công ông Táo như thế nào?
Ảnh: internet

Theo truyền thuyết dân gian, Táo quân cư ngụ trong phòng bếp của các hộ gia đình, cuộc sống sinh hoạt của người trong gia đình, mọi việc tốt xấu đều được ông ghi chép lại tường tận. Tới ngày 23 tháng chạp, Táo thần trở về thiên đình, đem các chuyện thiện ác của các hộ gia đình báo lại cho Ngọc hoàng, tới tối ngày 30 tháng chạp sẽ trở lại nhân gian, phụng mệnh Ngọc hoàng để thưởng thiện phạt ác.

Người Trung Quốc Rất Coi Trọng Thể Diện

Có thể nói “trọng thể diện” và “thích khoa trương” là hai điều dễ nhận thấy ở người Trung Quốc. Tất nhiên, đã là con người thì ai cũng muốn có thể diện, đất nước nào cũng như nhau. Đối với người Trung Quốc lại khác, thể diện giống như mạng sống của họ vậy. Điều này nó vừa là đặc điểm tốt mà cũng đồng thời là một đặc điểm xấu tồn tại trong xã hội Trung Quốc.

Người Trung Quốc chú ý đến thể diện của bản thân cũng giống việc họ quan tâm những gì người khác nghĩ về mình. Họ không muốn người ngoài nhìn và nghĩ về họ với sự coi thường, sự mỉa mai. Chính vì vậy họ luôn cố gắng hết sức mình để khoa trương bản thân. Khoa trương nghĩa là gì? Là phóng đại quá mức những gì bản thân có hoặc hành động phóng đại quá mức sự cần thiết.

Người Trung Quốc trọng thể diện và thích khoa trương

Người có tiền là nhất định phải xây nhà cao cửa đẹp. Cái cánh cửa là thứ trưng ra bên ngoài đầu tiên cho mọi người xung quanh nhìn thấy. Chính vì thế, cửa nhà hay cửa cổng cũng được nhà giàu Trung Quốc rất xem trọng trong việc phô trương sự giàu có của mình.

Môn đinh, một vật rất quan trọng được gắn trên cánh cửa của người Trung Quốc. Nó thường được làm rất đẹp, thậm chí còn trang trí họa tiết.
Môn đinh, một vật rất quan trọng được gắn trên cánh cửa của người Trung Quốc. Nó thường được làm rất đẹp, thậm chí còn trang trí họa tiết.

Nếu bạn là người thích xem phim cổ trang Trung Quốc, chắc hẳn bạn đã nhìn thấy những cánh cửa trong phủ quan hoặc cửa cổng nhà các phú hộ luôn gắn rất nhiều cục tròn tròn rất to ở trên đó. Thực chất chúng được gọi là “môn đinh” hay là đinh cửa. Những cánh cửa gỗ thường có kích thước lớn và được ghép từ rất nhiều tấm gỗ lại với nhau. Phần ghép giữa các tấm gỗ được dùng đinh để gắn chặt lại. Nhưng trên cánh cửa mà lại có nhiều vết đinh gắn vào thì lại gây mất thẩm mỹ cho nên người ta mới gắn thêm những cục tròn ở trên phần được đóng đinh để tăng thêm mỹ quan.

Ban đầu việc gắn các cục tròn trên cửa chỉ đơn thuần là mang tính mỹ quan. Thế nhưng vì thích khoa trương sự giàu có của mình, người nhà giàu thích xây cửa to. Mà cửa càng to thì càng phải gắn nhiều đinh. Chính vì vậy mà dần dần từ việc nhìn nhận số lượng đinh trên cửa mà người ta đánh giá được sự giàu có của gia chủ.

Cổng vào cũng phải được xây thật lớn

Cổng lớn là một niềm tự hào của người Trung Quốc khi chào đón những vị khách ghé thăm. Chính giữa cổng là tấm bảng đề tên của chủ hộ hoặc tên cơ quan, ví dụ như “Lâm gia trang” hay “Khai Phong phủ”… Cổng vào càng lớn, kiến trúc càng đẹp càng thể hiện được sự phồn vinh, trang nghiêm hoặc uy nghiêm của nơi đó.

Cổng Đại học Giao thông Thượng Hải
Cổng Đại học Giao thông Thượng Hải

Cổng của các trường đại học tại Trung Quốc thể hiện rõ ràng điều đó. Hầu hết các trường đại học tại đây đều rất chú trọng trong việc xây cổng lớn. Bạn có thể bị say đắm trước vẻ đẹp của những cổng lớn các trường đại học. Hoặc cũng có thể bàng hoàng ngỡ mình lạc vào cung vua phủ chúa khi đứng trước cổng Đại học Giao thông Thượng Hải.

Tên người cũng phải thể hiện được ý chí hay công trạng

Việc đặt tên cũng được người Trung Quốc coi trọng bất kể là vua chúa hay thường dân. Hoàng đế ngoài tên do vua cha đặt ra còn có cả niên hiệu, thụy hiệu, miếu hiệu. Tên của vua do cha đặt thì không ai được phép gọi, đó còn gọi là tên húy. Thụy hiệu là một cái tên dài ngoằng cho hoàng đế sau khi qua đời để tôn vinh. Ví dụ như Lý Thế Dân, vị hoàng đế thứ hai của nhà Đường có thụy hiệu là Văn Vũ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu hoàng đế.

Trong giới quý tộc, học sĩ hay học trò, ngoài tên tục do cha mẹ đặt ra thì còn có tên tự, tên hiệu. Tên của một người thì chỉ cha mẹ và người trong nhà được phép gọi. Ví dụ như Lưu Cơ có tên tự là Lưu Bá Ôn, Đào Tiềm có tên hiệu là Uyên Minh, Lý Bạch có tên tự là Thái Bạch. Trong giao tiếp xã hội của người Trung Quốc thời xưa, một người thường được người khác gọi bằng tên tự. Việc gọi bằng tên tự để thể hiện sự tôn trọng người được gọi. Nếu gọi bằng tên cha mẹ đặt thì được coi là một sự bất nhã.

Kể từ thời xa xưa cho tới hiện đại, việc gọi người khác bằng họ và chức danh cũng thể hiện sự coi trọng. Người được gọi bằng họ và chức danh thì giữ được thể diện. Người gọi người khác bằng họ và chức danh cũng lấy được thiện cảm từ đối phương. Thời xưa thì người ta hay gọi nhau bằng những cái tên như “ông chủ Trần”, “Lâm giáo đầu”, “Trương học sĩ”, “Ngô phu nhân”, “Tôn tiên sinh”… Thời nay thì có thể gọi bằng những cái tên như “ông chủ Lý”, “Mã tổng”, “giám đốc Lê”, “Quách tiên sinh”…

Trọng thể diện là tốt hay xấu?

Sự coi trọng thể diện của người Trung Quốc đôi khi đi quá đà. Nhưng nhìn chung, nó cũng có cái hay của nó. Chính vì sự coi trọng thể diện đó, trong giao tiếp xã hội, người ta luôn biết cách để thể hiện bản thân coi trọng đối phương. Việc coi trọng thể diện đi đôi với đề cao văn hóa học thức thì cũng sẽ xây dựng được một nền tảng xã hội hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.

Tìm hiểu thêm về Văn hóa Trung Quốc.

Tứ Thư Ngũ Kinh Và Tư Tưởng Nho Gia

Tứ Thư Ngũ Kinh và tư tưởng Nho gia

Tứ thư đã tồn tại từ thời kỳ trước khi thành lập triều Tần. Khi đó chưa có tên gọi “tứ thư” , ngoài sách “luận ngữ” ghi chép hành động và lời nói của Khổng Tử còn có các sách “Mạnh Tử”, “Đại Học” và “Trung Dung”. “Mạnh Tử” là sách kí thuật tư tưởng chính trị của Mạnh Kha – một nhân vật đại biểu khác của học phái Nho gia. Còn “Đại Học” và “Trung Dung” vốn là hai thiên trong sách “Lễ Ký”, chủ yếu nói về làm thế nào để học tri thức và làm thế nào để tu thân. Tới đời Nam Tống, học giả nổi tiếng là Chu Hi đem chúng tách biệt độc lập và chú giải, cùng với Luận Ngữ và Mạnh Tử hợp lại trở thành giáo tài nhập môn sơ cấp kinh điển Nho gia và được gọi là tứ thư.

Ngũ kinh là “dịch kinh”, “thượng thư”, “thi kinh”, “lễ ký”, “xuân thu” 5 cuốn điển tịch.

Vào thời kỳ hai triều đại Minh và Thanh , các cuộc thi khoa cử đều căn cứ vào các câu bên trong “tứ thư ngũ kinh” mà ra đề, thí sinh giải thích câu chữ nhất định phải dựa theo “tứ thư chương câu tập chú” của Chu Hi… Thế là “tứ thư ngũ kinh” trở thành sách giáo khoa quan trọng nhất của các phần tử trí thức, mà tư tưởng Nho gia ở trong “tứ thư ngũ kinh” vì thế đã trở thành chuẩn mực đối nhân xử thế của người đời lúc bấy giờ. Những tư tưởng bao hàm trong “tứ thư ngũ kinh” cũng ảnh hưởng sâu sắc tới con người cho tới tận ngày nay.

Văn hóa Trung Quốc thường thức

Cơ Hội Mới Khi Du Học Trung Quốc 2021

Sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tốt để thực hiện kế hoạch du học Trung Quốc vào năm 2021. Đó là đánh giá của bản thân tôi khi theo dõi những diễn biến trong năm vừa qua trong lĩnh vực du học. Ở trong bài viết này tôi sẽ đánh giá những lợi thế mà sinh viên Việt Nam có được để tự tìm cho mình những suất học bổng du học có giá trị.

Du học Trung Quốc 2021: sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội

Việt Nam là một trong các nước con đường tơ lụa

Trung Quốc đang rất năng động trong việc thực thi dự án con đường tơ lụa (BRI) nhằm thúc đẩy giao thương và hợp tác nhiều mặt giữa các nước. Việt Nam là một trong số các nước thuộc dự án này. Thực tế, tất cả sinh viên đến từ các quốc gia thuộc dự án con đường tơ lụa đều đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận các loại học bổng du học Trung Quốc. Đây cũng chính là thông tin đáng mừng cho những sinh viên Việt Nam đang có dự định du học Trung Quốc vào năm 2021.

Sinh viên Việt Nam có đủ tố chất để đạt được học bổng toàn phần

Việc đạt được thành tích cao để xin học bổng toàn phần là điều mà sinh viên ở bất kỳ quốc gia nào trong khối các nước con đường tơ lụa cũng có thể làm được. Vậy điểm mấu chốt khiến chúng ta có lợi thế hơn các quốc gia khác là gì?

Trong cuộc gặp gỡ thân mật với cô Lưu Hồng Mai – viện trưởng Học viện Giáo dục Quốc tế – Đại học Tế Nam, tôi cũng có trao đổi qua với cô về tiêu chí đánh giá năng lực của sinh viên quốc tế. Cô cho biết những sinh viên được coi là xuất sắc thì ngoài thành tích học tập cao, trình độ Hán ngữ cũng phải đạt được bằng hoặc trên mức tối thiểu. Cô đánh giá cao những sinh viên có trình độ Hán ngữ đạt HSK level 5 và 6 với số điểm từ 230 điểm trở lên.

Tôi cũng có cho cô biết rằng HSK cấp 5 là một mốc khá dễ dàng đối với sinh viên Việt Nam. Lý do là bởi vì sự tương đồng khá mật thiết giữa hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Hán. Các chuyên gia ngôn ngữ học cho biết trong tiếng Việt có tới ít nhất 70% là từ Hán Việt. Đó là lý do mà người Việt Nam tiếp thu rất nhanh ngôn ngữ Hán. Chắc chắn đây là một lợi thế rất lớn để đánh bại sinh viên tới từ các quốc gia khác.

Nhiều trường đại học tại Trung Quốc mở rộng cánh cửa cho sinh viên quốc tế

Việc tiếp nhận giáo dục sinh viên quốc tế đang là xu hướng của hầu hết tất cả các trường đại học và cao đẳng tại Trung Quốc. Điều này nhằm mục đích quốc tế hóa và quảng bá hình ảnh của trường ở trong và ngoài nước. Việc có càng nhiều trường học tham gia tiếp nhận giáo dục sinh viên quốc tế đồng nghĩa với việc các suất học bổng bao gồm toàn phần, bán phần và một phần cũng sẽ tăng lên. Các sinh viên có thành tích thấp cũng vẫn có nhiều cơ hội xin được học bổng tại các trường cao đẳng Trung Quốc.

Chỉ tiêu học bổng cho các nước châu Phi giảm mạnh

Do chính sách đầu tư thương mại của Trung Quốc tới các nước châu Phi, trong những năm vừa qua một lượng lớn các sinh viên tại châu lục này được ưu tiên tới Trung Quốc du học. Tuy nhiên, rất nhiều vụ việc xấu xảy ra tại Trung Quốc có liên quan tới sinh viên châu Phi khiến cho người dân Trung Quốc giận dữ. Cụ thể là rất nhiều sinh viên da màu sử dụng chất kích thích cấm, uống rượu say gây nhiễu loạn, quan hệ tình dục với gái mại dâm trong kí túc xá, nhiều người còn bị mắc HIV …Điều này tạo ra áp lực rất lớn tới chính phủ Trung Quốc trong việc giới hạn các chỉ tiêu học bổng cho sinh viên tới từ các nước châu Phi.

Cũng theo một thông tin chưa được kiểm chứng thì những năm tới chỉ tiêu các suất học bổng du học Trung Quốc sẽ được ưu tiên cho sinh viên tới từ các quốc gia Đông Nam Á.

Những thách thức còn tồn tại khi du học Trung Quốc vào năm 2021

Du học Trung Quốc đang là xu hướng mới tại Việt Nam hiện nay do sự dễ dàng trong việc apply và nhiều thông tin được chia sẻ cởi mở. Đây là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức lớn nhất bởi càng nhiều người apply thì sự cạnh tranh sẽ càng tăng cao. Sự cạnh tranh giữa chính các sinh viên Việt Nam với nhau chắc chắn là điều không thể tránh khỏi.

Chính vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch tự apply học bổng du học Trung Quốc, hãy tiến hành thu thập đầy đủ thông tin cần thiết. Bổ sung làm đẹp hồ sơ càng sớm càng tốt. Và điều quan trọng nhất, hãy nâng cao trình độ HSK của mình lên tới mức tốt nhất có thể nhé.

Khổng Tử – Vị Thầy Của Muôn đời

Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) tên là Khâu, tự Trọng Ni, người nước Lỗ. Ông là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại vào cuối thời kỳ Xuân Thu tại Trung Quốc. Khổng Tử cũng là người sáng lập ra học phái Nho gia.

Sơ lược về Khổng Tử

Tổ tiên lâu đời của Khổng Tử là quý tộc nước Tổng (một nước chư hầu của nhà Chu), là hậu duệ của vương thất nhà Ân. Lúc còn nhỏ, cha ông qua đời, kể từ đó gia cảnh của Khổng Tử ngày một suy. Mặc dù lúc còn nhỏ Khổng Tử rất nghèo nhưng ông đã lập chí học tập. Ông từng nói: “Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên – 三人行必有我师焉 – trong ba người cùng đi tất có người là thầy của ta”. Sớm mồ côi cha, năm 16 tuổi, mẹ ông cũng qua đời. Ông một mình sống cuộc sống thanh bạch, tu chí học tập.

Từ năm 19 đến năm 21 tuổi, ông đảm nhiệm một số chức quan nhỏ ở địa phương. Năm 22 tuổi ông bắt đầu thu nhận học trò. Sau này số lượng học trò của ông lên tới hơn 3000 người, trong đó có cả con em các gia đình nghèo. Việc nhận học trò nghèo đã làm thay đổi truyền thống chỉ con nhà quý tộc mới đủ tư cách học hành.

Ông từng làm nhiều chức quan lớn tại nước Lỗ, có công cải cách kỉ cương nước Lỗ, dạy cho dân chúng biết lễ nghĩa khiến cho nước Lỗ trở nên thịnh trị chỉ trong một thời gian ngắn. Sau vì vua Lỗ không tin dùng, Khổng Tử từ quan rồi đi chu du các nước.

Vị thầy của muôn đời

Những năm cuối đời, Khổng Tử trở về nước Lỗ tiếp tục về dạy học, viết và hiệu đính sách. Ông có công lớn trong việc hiệu đính các thư tịch thượng cổ, bảo tồn rất nhiều văn hiến thời cổ đại. Những tác phẩm như “”kinh thi”, “thượng thư, “châu dịch” v.v đều được thông qua tay ông biên soạn và hiệu đính.

Rất nhiều tư tưởng của ông cho tới ngày nay vẫn còn rất có giá trị. Ông đã làm phong phú thêm nội hàm của chữ “nhân – 仁”, ông cho rằng cần phải làm được “nhân”, tức là cần quan tâm và yêu thương người khác. Ông từng nói “kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân – 己所不欲勿施于人” cái gì mà bản thân không muốn thì cũng đừng làm cho người khác. Ông còn cho rằng “quân tử hòa nhi bất đồng – 君子和而不同” có nghĩa là người quân tử có thể trong giao tiếp qua lại với người khác giữ được mối quan hệ hòa hợp thiện hữu nhưng trong cách nhìn nhận đối với một vấn đề cụ thể không cần thiết phải đồng ý bừa bãi với đối phương.

Những lời dạy của Khổng Tử đã được các đệ tử thu tập lại trong một cuốn gọi là “luận ngữ”, tư tưởng của ông cũng được người đời sau tiếp thu và phát dương rộng rãi, trở thành một bộ phận chủ yếu của tư tưởng truyền thống Trung Hoa; đồng thời cũng được truyền bá tới các quốc gia lân cận, hình thành nên nền văn hóa Nho gia có phạm vi ảnh hưởng vô cùng lớn.

Khổng Tử không chỉ là một danh nhân văn hóa của Trung Quốc, ông còn là một danh nhân văn hóa vĩ đại của thế giới.

Học Tập Là Con Đường Ngắn Nhất Để Thoát Nghèo

Tôi của hiện tại là một người không giàu cũng chẳng nghèo. Nhưng tôi có những người bạn đồng trang lứa giàu có. Mặc dù học lực và bằng cấp của mỗi người mỗi khác nhau nhưng xuất phát điểm của họ thì đều giống nhau. Tất cả đều là con nhà nghèo.

Có đứa bạn học rất giỏi, thi đậu vào một trường kinh tế hàng đầu tại VN. Trong suốt quá trình học đại học, nó chăm chỉ rèn luyện tiếng Anh, chịu khó tham gia các cuộc thi hùng biện, giành được nhiều học bổng của trường. 4 năm sau khi nó ra trường, nó đã thành lập được một công ty cổ phần giáo dục được định giá lên tới gần 10 tỉ đồng.

Có đứa hồi học đại học thì lười nhác, lúc ra trường cũng nhăm nhe xin được một công việc nhà nước cho ổn định. Làm được hai năm trong nhà nước với đồng lương ba cọc ba đồng thì nó quyết định từ bỏ. Nó bỏ việc rồi đi vay tiền nhập hàng và bán hàng online. Suốt mấy tháng nó chẳng bán được sản phẩm nào và lâm vào tình trạng miếng cơm ăn cũng chẳng có. Vào lúc nó suy sụp nhất, nó quyết định vay thêm mấy chục triệu vừa để sống vừa để đi học khóa bán hàng online. Chẳng hiểu là nó gặp được thầy giỏi hay là vì nó tiếp thu giỏi, sau khi hoàn thành khóa học, nó đã bán được hết sạch số hàng ế ẩm của nó và nhập thêm hàng mới. Sau 6 tháng, nó thu lại được lợi nhuận ròng 800 triệu đồng. Sau 4 năm kinh doanh bán hàng online, nó đã có nhà, có xe, có đội ngũ bán hàng 20 nhân viên và 6-7 tỉ đồng trong tài khoản tiết kiệm.

Lại có đứa mới chỉ học hết trung cấp, lúc ra trường nó không xin được việc làm. Ban đầu nó chọn đi đánh giày dạo ở ngoài đường. Làm đánh giày được 6 tháng nó phát hiện ra hình như mình có duyên với những đôi giày. Nhưng đồng thời nó cũng phát hiện ra làm nghề đánh giày dạo vất vả quá, làm mãi cũng không ổn. Nó quyết định về quê xin vào xưởng giày làm công nhân sản xuất giày. Mất khoảng 2 năm để nó trở thành thợ khéo. Rồi tới một ngày, nó chợt phát hiện ra bản thân nó cũng có khả năng đi bán những đôi giày được sản xuất từ xưởng. Thế rồi nó đem những đôi giày ấy đi chào bán ở những thị trường cần đến. Khi đã có một số lượng khách nhất định, nó xin nghỉ việc ở xưởng và hợp tác với chủ xưởng, ngoài ra nó đặt thêm cả giày ở những xưởng khác. Hiện tại, nó là ông trùm bán buôn trong ngành giày da với tuổi đời rất trẻ.

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều trường hợp những đứa bạn cùng trang lứa với tôi thành công trên con đường làm giàu. Tất cả đều cùng chung số phận là con nhà nghèo, con đường học tập mỗi đứa một kiểu. Tất cả chúng nó đều thành công không phải bởi những kiến thức được dạy ở trường lớp. Chúng nó thành công là bởi vì đã kiên trì học tập những kiến thức cần thiết cho con đường, cho chí hướng mà bản thân đã chọn.

Vì thế cho nên, cho dù ra đời sớm hay đã tốt nghiệp đại học hay nghiên cứu sinh, nếu bạn không ham học hỏi và tích lũy những kiến thức cần thiết, bạn không kiên định trên con đường mà mình đã chọn thì bạn chẳng thể nào thoát nghèo được đâu. Học tập vẫn luôn là con đường ngắn nhất để thoát nghèo.

Trí Tuệ – Ngọn Đuốc Sáng Giúp Ta Vượt Qua Sợ Hãi

Thuở nhỏ, tôi rất sợ bóng tối. Mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy ma, nhưng một đứa trẻ như tôi vẫn biết ma chính là linh hồn của những người đã chết. Chẳng biết những linh hồn đó có làm hại mình hay không nhưng tôi vẫn rất sợ vào mỗi buổi tối khi chợt tưởng tượng tới.

Ánh sáng giúp xua đi nỗi sợ hãi

Ở quê tôi thời ấy, điện rất chập chờn. Cái cảnh mất điện vào mỗi mùa hè diễn ra thường xuyên trong suốt tuổi thơ tôi. Bố tôi đi làm xa, tôi sống chung với mẹ. Mỗi buổi tối mất điện, tôi và mẹ thường ngồi quây quần bên ánh nến. Mẹ thường hay kể cho tôi nghe những giấc mơ kỳ lạ báo trước tương lai hoặc những giấc mơ gặp lại những người đã khuất. Những câu chuyện mẹ kể tôi rất thích nghe nhưng đồng thời chúng cũng khiến tôi thêm sợ bóng tối.

Ngồi bên ánh nến hay bên ngọn đèn dầu, tôi chẳng dám nhìn ra phía xa. Khoảng trống xa xôi bên ngoài khung cửa là khu vườn vắng, đầy tiếng ếch nhái và côn trùng. Nhà tôi ở ngay bên cánh đồng, phía trước là một khu vườn rộng và một cái ao cá. Cái khung cảnh hoang vắng và u ám đó nó tự mình đã mang sự rùng rợn đến nổi da gà. Mỗi lần mẹ sang bên ngoại về khuya là tôi lại sợ đến phát khóc.

Tôi nhớ có lần bố đi công tác về, nhà lại mất điện. Trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, tôi thủ thỉ vào tai bố và nói: “bố, bố đừng đi công tác xa nữa, con ở nhà sợ ma lắm”. Bố xoa đầu và hỏi tôi: “con sợ ma, vậy con có sợ ánh sáng không?”. Tôi nói: “ánh sáng làm con đỡ sợ hãi hơn”. Lúc này, bố chậm rãi giải thích cho tôi hiểu: “sở dĩ con sợ ma là vì con không nhìn thấy nó, con không biết nó cho nên tự con thấy sợ. Khi con biết nó rồi thì con sẽ không còn cảm thấy sợ nữa. Cũng giống như ánh sáng chiếu soi khắp căn phòng, cảnh vật xung quanh đâu đâu con cũng thấy biết. Chỉ khi nào con thấy và biết, khi ấy tâm con mới an”.

Tôi hỏi lại bố: vậy làm thế nào để con không còn sợ ma nữa?”. Bố trả lời: “ma là thứ con không thấy biết, nó tượng trưng cho bóng tối. Khi nào con học được cách tự thắp cho mình một ngọn đuốc thì khi đó con chẳng còn thấy sợ nữa”. Bố còn khuyên tôi phải chịu khó học hành và tu dưỡng đạo đức. Bố nói khi ta biết càng nhiều thì nỗi sợ của ta càng ít đi.

Trí tuệ là ngọn đuốc sáng giúp ta vượt qua sợ hãi

Sau này khi đã trưởng thành tôi mới nhận ra, cuộc đời còn biết bao nhiêu nỗi sợ hãi khác mà ta cần phải vượt qua. Nỗi sợ lớn nhất có lẽ chính là nỗi sợ tương lai. Ta sợ vì ta chẳng thể thấy được tương lai. Chẳng biết ngày mai cuộc sống có tốt đẹp hơn – ta sợ. Chẳng biết ngày mai sẽ có chuyện xấu gì xảy đến – ta cũng sợ.

Cuộc sống là quãng đường đi từ hiện tại tới tương lai. Mà quãng đường đó là một màn đêm u tối ta chẳng thể nhìn rõ có cạm bẫy nào đang ở trước mắt. Nếu không có ánh sáng, chắc chắn ta sẽ vấp ngã. Thậm chí có thể vấp ngã mà chẳng bao giờ đứng dậy được. Chỉ có đạo đức mới giúp tâm ta an yên và thanh tịnh. Khi tâm đã an tịnh, ta chẳng thể nào bị xoáy vào cạm bẫy của cuộc đời. Chỉ có tri thức mới giúp ta nhìn xa và trông rộng. Khi tầm nhìn đủ rộng, ta chẳng thể nào vấp ngã.

Muốn vượt qua được quãng đường trong đêm tối, chỉ có cách tự thắp cho mình một ngọn đuốc sáng. Đạo đức và tri thức chính là ngọn đuốc ấy. Đạo đức và tri thức chính là trí tuệ. Ánh sáng từ ngọn đuốc trí tuệ chính là thứ ánh sáng huy hoàng và thanh tịnh nhất trên đời. Có được ngọn đuốc trí tuệ, nỗi sợ nào cũng sẽ tan biến, quãng đường nào cũng có thể vượt qua.

Tiết Thanh Minh Của Người Trung Quốc

Thanh Minh là một trong 24 tiết khí của Trung Quốc, cũng là một lễ tiết truyền thống lâu đời của người Trung Quốc. Tiết Thanh Minh rơi vào tháng 3 âm lịch (tức khoảng ngày 5 tháng 4 dương lịch). Đây là thời khắc tiết xuân tươi đẹp, không khí khiết tịnh vì vậy mà nó có tên là tiết thanh minh.

Tiết thanh minh

Vào tiết thanh minh, người ta có thói quen đi tảo mộ tổ tông (quét dọn mộ phần của người thân đã khuất). Người Trung Quốc có truyền thống kính lão, đối với tổ tiên đã khuất lại càng nhớ ơn và tôn thờ. Vì thế, mỗi lần tới lễ thanh minh, người người nhà nhà đều đi tới mộ phần của tổ tiên để tảo mộ. Người ta dọn sạch cỏ dại, thêm đất mới, thắp hương trước mộ, cúng đồ ăn và đốt giấy tiền. Tất cả những việc này nhằm biểu thị sự thành kính và nhớ ơn đối với tổ tiên.

Vào tiết tháng 3, ở vùng sơn dã cỏ mọc xanh rờn, bên sông cây liễu rủ dài, khắp nơi là một màu xanh mơn mởn. Đây là thời thích hợp để đi du ngoạn. Cổ nhân Trung Quốc thường có thói quen đi tới các vùng ngoại ô tản bộ, hoạt động này gọi là “đạp thanh”; lại ngắt cành liễu xanh cài lên trên đầu, gọi là “tháp liễu”. Nghe nói tháp liễu có thể tiêu trừ được quỷ quái và tai nạn. Bởi thế, ai cũng sôi nổi cài cành liễu, chỉ mong cầu được bình an và hạnh phúc.

Hiện nay, phương thức an táng cũng đã thay đổi rất nhiều. Hỏa táng đã dần thay thế cho thổ táng, bởi vậy các ngôi mộ trên những cánh đồng ngày một ít đi. Thế nhưng lễ bái tổ tông vào tiết thanh minh, đạp thanh đều là những phong tục truyền thống của người Trung Quốc. Cứ đến ngày này, người ta vẫn còn dùng các phương thức khác nhau để hoài niệm tổ tiên của mình. Họ cũng vẫn đi tới vùng ngoại ô hít thở không khí tươi mới, ngắm bầu trời xanh, ngắm cây xanh và ngắm cỏ hoa tươi sắc.

Theo Văn hóa Trung Quốc thường thức.