Thảm hoạ dịch bệnh Covid-19 xảy ra vào cuối năm 2019 và kéo dài trong suốt năm 2020 đã khiến hàng chục triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm ngàn người chết. Đi kèm theo nó là hơn 1 tỉ người trên toàn thế giới mất kế sinh nhai và rơi vào cảnh nghèo đói.
Tôi là người may mắn khi không nằm trong số hơn 1 tỉ người nói trên. Tuy nhiên hiện giờ tôi cũng đang đứng sát ngưỡng cửa của sự khó khăn về tài chính. Một con virus nhỏ bé đã quật ngã Trung Quốc – một cường quốc có nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới và liên tiếp gây ra thiệt hại về kinh tế cho toàn cầu. Nền kinh tế của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng trăm ngàn công ty phải đóng cửa, nhiều người lao động mất việc làm. Còn tôi từ một người ít khi phải lo lắng về tài chính cũng phải rơi vào cảnh nợ nần.
Tôi vốn là một người làm việc tự do và có nguồn thu nhập vừa đủ cho những nhu cầu phát triển của bản thân. Cũng giống như rất nhiều bạn trẻ 9x khác, tôi thuộc trường phái ít lo lắng về tương lai. Tôi thường dùng toàn bộ số tiền mình kiếm được để tiêu dùng, thậm chí có đôi lúc tôi còn tiêu vượt mức so với thu nhập của bản thân. Gần đây, khi xem những tin tức phát trên truyền hình, tôi mới phát hiện ra một điều. Không chỉ có tôi, giới trẻ thuộc thế hệ 9x của châu Á đa phần cũng đều như vậy. Họ kiếm tiền và tiêu xài hết số tiền mà mình có.
Sống trong một xã hội internet, chúng ta rất khó giữ được bình tĩnh trước những sự cám dỗ bủa vây xung quanh. Đó là sự cám dỗ của những món đồ thời trang hàng hiệu, những sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy ảnh, laptop luôn luôn đổi mới mỗi năm. Càng lao đầu vào kiếm tiền, tôi phát hiện ra túi của mình càng trống rỗng.
Chỉ một vài tháng sau khi đại dịch bùng phát, tôi bắt đầu rơi vào cảnh khó khăn về tài chính. Hầu hết những bạn bè xung quanh tôi, cả những khách hàng của tôi đều gặp khó khăn. Tôi lập tức phải lên kế hoạch chi tiêu, khoanh vùng phạm vi những người có thể cho tôi mượn tiền. Có thể nói rằng việc đi mượn tiền trong lúc tất cả đều đang khó khăn là một việc khó và vô cùng áy náy. Tôi đã mất 3 tháng để trả được 1/3 số nợ và trong 6 tháng sẽ trả được hết 100% số nợ như dự tính.
Sự khó khăn lần này đã khiến tôi thức tỉnh và nhận ra tầm quan trọng của việc lập quỹ cho tương lai. Một người bạn của tôi đã từng nói: sẽ chẳng cần phải tiết kiệm tiền nếu như con người cứ sống lâu và khoẻ mạnh. Trong thực tế chúng ta ai cũng có giới hạn về thời gian và sức khoẻ. Nếu mình cứ hưởng thụ hết những gì mình có ở hiện tại, thì trong tương lai, rất có thể một ngày nào đó ta sẽ phải đi cầu xin tình thương của những người thân xung quanh. Vậy nên tốt nhất hãy đừng trở thành gánh nặng của bất cứ ai.
Tôi chợt nhớ đã từng đọc ở đâu đó người ta khuyên rằng hãy tiết kiệm một khoản tiền đủ để bạn sống trong ít nhất 6 tháng mà không cần phải lao động. Khoản tiền đó chính là một quỹ dự phòng khẩn cấp mà ta bắt buộc phải có. Vạn bất đắc dĩ lắm mới nên đem nó ra dùng.
Ngoài dịch bệnh, trong tương lai còn có thể có những thảm hoạ thiên nhiên lúc nào cũng có thể ập đến với loài người. Cho nên tôi cảm thấy một cách sâu sắc rằng mình cần phải thay đổi ngay lập tức. Tôi sẽ lập quỹ dự phòng khẩn cấp 6 tháng, quỹ du học ở một nước khác (tôi đã du học Trung Quốc quá lâu rồi). Trong tương lai, khi tài chính của tôi dư dả hơn, chắc chắn tôi sẽ cần phải tạo thêm một quỹ bảo hiểm sức khoẻ nữa.